Tivi, điều hòa, tủ lạnh đua nhau giảm giá 'sập sàn', vì sao vẫn ế nặng tại Việt Nam?
Siêu thị điện máy ào ào giảm giá
Báo Gia đình xã hội đưa tin, đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bị ế ấm, tất cả các doanh nghiệp cùng phá giá để cứu doanh số sản phẩm giá giảm nhiều nhất là tivi. Nhiều mẫu tivi 4K, 8K, Qled, Oled từ đầu năm đến nay đã giảm giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Chẳng hạn như tivi LG Smart OLED 4K 77 inch (77W9PTA) giảm 292,5 triệu đồng, từ 650 triệu đồng xuống còn 357,5 triệu đồng; tivi LG Smart OLED 8K 88 inch (88ZXPTA) giảm 100 triệu đồng, từ 690 triệu xuống còn 590 triệu đồng.
Đặc biệt, loại tivi cao cấp 8K màn hình lớn, giá giảm mạnh khiến mọi người không khỏi bất ngờ. Tivi LG Nanocell 8K, 75 inch giảm từ 200 triệu đồng xuống 110 triệu đồng. Những mẫu tivi 8K khác có giá niêm yết hơn 100 triệu đồng giảm chỉ còn trung bình 65-70 triệu. Cá biệt, các dòng TV 8K 55 inch trước đây có giá 75 triệu nay chỉ còn 40 triệu đồng..
Hiện nay, chỉ cần 2,9 triệu đồng đã mua được chiếc tivi Asanzo 40 inch (40AT320) Full HD; 5,9 triệu đồng mua chiếc tivi Sanco 43 inch hệ điều hành Android, xuất xứ Việt Nam hay 10 triệu đồng mua chiếc tivi Sony 49 inch 49X7000G 4K Ultra HD.
Sản phẩm giảm giá "khủng” nữa là máy giặt các loại. Cuối năm, nhiều máy giặt cao cấp giảm giá hàng chục triệu đồng. Điển hình như máy giặt sấy LG Inverter lồng ngang 9 kg giảm từ 22,79 triệu đồng xuống còn 12,99 triệu đồng, LG giặt hơi nước giảm từ 50 triệu đồng xuống còn 36,6 triệu đồng còn được tặng thêm quà trị giá 1,89 triệu đồng. Samsung 10 kg Addwash Inverrter từ 22,69 triệu đồng xuống còn 11,59 triệu đồng còn được tặng quà trị giá 2,1 triệu đồng; Samsung 9 kg Addwash Inverrter từ 20,59 triệu đồng xuống còn 9,79 triệu đồng; Electrolux 8kg Inverter từ 11,99 triệu đồng xuống còn 7,99 triệu đồng.
Tủ lạnh dung tích lớn cũng có nhiều sản phẩm đại hạ giá. Chẳng hạn, tủ lạnh 4 cánh ký hiệu SJ-FX630V-ST 626 lít của hãng Sharp giá giảm từ 30 triệu đồng xuống còn 18,49 triệu đồng; tủ lạnh side by side 613 lít GR-B247JDS của LG giá giảm từ 24,5 triệu xuống còn 18,49 triệu đồng; các loại tủ lạnh cao cấp thương hiệu Hitachi, Sanyo và Panasonic nhập khẩu từ Nhật Bản có giá trên 100 triệu đồng cũng giảm hơn chục triệu đồng mỗi chiếc.
Thống kê chung nhận thấy, tivi giảm giá từ 30-50%, máy giặt giảm từ 32-50%, máy điều hòa không khí giảm 18-25%, giá laptop giảm từ 10-30%, giá tủ lạnh giảm 25%, điện thoại giảm 25- 30%, đồ gia dụng giảm 40-50%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35- 41%...
Ngoài giảm giá, các siêu thị còn tặng quà, tặng phiếu mua hàng, hoàn tiền mặt cho khách mua hàng trả góp,... với số tiền lên đến hàng triệu đồng.
Giảm mạnh nhưng vẫn ế ẩm, lý do vì sao?
Mặc dù giảm giá sốc đến vậy, nhưng theo Người lao động, người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ với nhóm hàng điện máy. Dẫn lời ông Lê Xuân Tiến, phụ trách kinh doanh tại một siêu thị điện máy ở quận Bình Thạnh (TP HCM), cho biết trước đây, các hệ thống bán lẻ chỉ chạy chương trình ưu đãi vào các dịp lễ, còn năm nay phải chạy gần như mỗi tuần với số lượng quà tặng "khủng" để thu hút khách hàng. Thế nhưng hiệu quả không đạt như kỳ vọng. Tương tự, đại diện một siêu thị điện máy ở quận Tân Bình (TP . HCM) cũng buồn bã bởi doanh số cuối năm nay rất thấp, khách đến mua hàng thưa thớt chẳng khác gì "chợ chiều", dù nhà bán lẻ này đã nỗ lực giảm giá mạnh hầu hết các mặt hàng.
Khảo sát các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP. HCM, Người lao động ghi nhận số lượng lớn hàng hóa được chất đầy trên kệ và xếp kín các khu trưng bày. Không chỉ mặt hàng cũ mà cả những mẫu mới nhất cũng đều có thông tin giảm giá, tặng quà, trả góp không lãi suất. "Khách đã quen với ưu đãi, giảm giá nên dù hàng mới, mẫu mã đẹp mà không có chính sách ưu đãi cũng không có ai thèm ngó" - ông Bùi Thanh Cường, quản lý trung tâm điện máy ở quận 7 (TP HCM), giải thích và thừa nhận dù đã đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm
Tờ báo dẫn lời ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình, dự báo thị trường điện máy dịp Tết năm nay sẽ rất ảm đạm do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 diễn ra liên tiếp. Người tiêu dùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế nên có xu hướng siết hầu bao, chi tiêu chủ yếu cho các nhu cầu cơ bản của gia đình và xếp mua sắm điện máy xuống thứ yếu. Một bộ phận người lao động, đặc biệt là công nhân, bị giảm thu nhập nên cũng sẽ hạn chế mua sắm.
Thống kê của Euromonitor chỉ rõ trên 70% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện. Khoảng 30% số hộ gia đình sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như máy điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi, máy sấy. Do đó, sau giai đoạn tăng trưởng "nóng" thì ngành bán lẻ điện máy bắt đầu đi ngang và có xu hướng giảm trong thời gian tới. Cùng với tác động từ dịch Covid-19, tất cả ngành hàng sẽ sụt giảm khá mạnh doanh số so với năm trước.