Toàn cảnh cuộc chiến giá dầu Nga - Saudi Arabia lý giải vì sao giá dầu điêu đứng
Trước đó, OPEC+ từng họp thảo luận về kiến nghị cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng để bình ổn giá dầu trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Nhưng Nga không đồng tình với việc cắt giảm thêm sản lượng, một động thái làm rạn vỡ mối quan hệ OPEC và đồng minh, khiến Saudi Arabia châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu.
Riyadh và Moscow đã tuyên bố rằng họ sẽ tăng cường sản lượng dầu vào tháng 4 ngay sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết hạn. Nguồn cung tăng vọt trong khi nhu cầu dầu bị đè bẹp vì dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã đẩy giá dầu thô xuống mức thấp nhất trong 18 năm, tức giảm 60% kể từ đầu năm đến nay.
Nhu cầu dầu lao dốc
Ngay từ giữa tháng 1, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, triển vọng nhu cầu dầu đã ngày một ảm đạm. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Việc chính quyền Bắc Kinh phong tỏa nhiều tỉnh thành khiến 80% nền kinh tế Trung Quốc tê liệt và hoạt động giao thông chững lại khiến các doanh nghiệp gần như không có nhu cầu dầu trong nhiều tuần liền.
Giờ đây, khi dịch bệnh lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hàng loạt nền kinh tế lớn bậc nhất toàn cầu như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Italy, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Sĩ...phải tiến hành các biện pháp phong tỏa kiểm dịch mạnh mẽ, triển vọng nhu cầu dầu còn tồi tệ hơn nữa. Trong các báo cáo tháng 3, cả OPEC và Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đều cắt giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2020.
Sản lượng dầu tăng vọt
Saudi Aramco, công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Saudi Arabia hồi tháng trước tuyên bố sẽ cung cấp sản lượng 12,3 triệu thùng dầu/ ngày bắt đầu từ tháng 4, tức cao hơn 2 triệu thùng dầu/ ngày so với mức sản lượng hồi tháng 3.
Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE cũng ám chỉ sẽ tăng sản lượng như vậy, theo ông Ravi Krishnaswamy, phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn công nghiệp Frost & Sullivan. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tiết lộ Nga nhiều khả năng sẽ tăng sản lượng thêm 200.000-300.000 thùng dầu/ ngày trong ngắn hạn và 500.000 thùng dầu/ ngày trong dài hạn. Hồi tháng 2, sản lượng bình quân mỗi ngày của Nga ở mức 11,3 triệu thùng/ ngày.
UAE cũng cho biết mức tăng sản lượng khoảng 1 triệu thùng dầu/ ngày, tức sản xuất khoảng 4 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 4.
Nguồn cung dầu tăng cao có thể kéo dài đến ít nhất tháng 6, thời điểm diễn ra cuộc họp tiếp theo của OPEC+, với kỳ vọng có thêm thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào khác.
Ông Ravi Krishnaswamy dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới, thậm chí xuống mức 10 USD/ thùng với dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ.
Chiến tranh giá dầu Nga - Saudi Arabia và đòn đau cho Mỹ
Giá dầu đã lao dốc không phanh kể từ khi Nga từ chối thông qua kiến nghị cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ ngày của OPEC để ổn định thị trường dầu.
Saudi Arabia lập tức phản ứng với Nga bằng cách tuyên bố tăng sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng/ ngày và giảm giá dầu vào đâu tháng 4. Phía Nga cũng ám chỉ tăng sản lượng dầu trong nỗ lực giành lại thị phần sau một thời gian dài cắt giảm.
Các nhà phân tích nhận định động thái của Nga trong cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia có thể là đòn giáng ngầm chống lại Mỹ, khi các công ty đá phiến của Mỹ vốn đã lao đao vì bài toán tài chính và lợi nhuận không như kỳ vọng. Giờ đây, nếu giá dầu tiếp tục lao dốc xuống mức 10-20 USD/ thùng như dự đoán của giới chuyên gia, các công ty Mỹ sẽ là đối tượng tổn thương hơn cả, theo Phó chủ tịch của IHS Markit Dan Yergin
Cuộc đấu đá thị phần
Kể từ năm 2018, Mỹ đã vượt mặt cả Saudi Arabia và Nga để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với sản lượng dầu đá phiến tăng đáng kể. Thị phần dầu của Mỹ trên thị trường năng lượng ngày một tăng, hiện đạt khoảng 15% tính đến tháng 11/2019 dựa trên số liệu EIA công bố.
Nhưng vị trí vua thị phần rõ ràng đang bị đe dọa khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vật lộn để hòa vốn do giá dầu giảm sâu. Nếu tình trạng giảm giá tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp Mỹ không còn cách nào ngoài việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu, đồng nghĩa với sự sụt giảm lớn trong sản xuất và thị phần của ngành dầu khí Mỹ. Khi đó, Mỹ chắc chắn không còn ở ngôi thống trị.