Toàn văn bài phát biểu của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Thào Xuân Sùng

Dân Việt Thứ hai, ngày 28/09/2020 19:17 PM (GMT+7)
Với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng do Covid-19.
Bình luận 0

Đó là phát biểu khai mạc của đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra chiều nay (ngày 28/9) tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại.

Toàn văn bài phát biểu của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Thào Xuân Sùng - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Dân Việt xin đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Thào Xuân Sùng.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên  Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk,

Kính thưa các đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Kính thưa đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chí phủ,

Kính thưa đồng chí Y Thanh Hà Nie KĐăm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương,

Thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk,

Thưa toàn thể các vị đại biểu khách quý, các nhà doanh nghiệp và các đồng chí cán bộ, hội viên nông dân 63 tỉnh, thành phố về dự hội nghị.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủđối thoại với nông dân lần thứ III tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các phóng viên thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương đã tới dự và đưa tin về Hội nghị.

Sự có mặt của đồng chí Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Tôi nhiệt liệt chào mừng 300 đại biểu nông dân đại diện cho hơn 60 triệu nông dân cả nước đã về dự Hội nghị.

Xin kính chúc đồng chí Thủ tướng và toàn thể quý vị đại biểu dự Hội nghị mạnh khoẻ, chúc Hội nghị đối thoại thành công tốt đẹp.

Kính thưa đồng chí Thủ tướng Chính phủ,

Thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào nông dân,

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ III tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hôm nay là sự tiếp nối thành công của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hải Dương năm 2018; Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ hai tổ chức tại Tp. Cần Thơ năm 2019.

Với việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III, không chỉ tiếp tục khẳng định lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ nhất, đó là: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn", mà còn thể hiện sự luôn lắng nghe, thấu cảm những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân; thể hiện mối quan hệ ngày càng bền vững, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tạo nền tảng niềm tin, thúc đẩy phong trào nông dân khắp mọi miền Tổ quốc thi đua sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 2 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí bất cập trong xây dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo được nhiều chuyển biến tích cực, được nông dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ thực hiện.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào nông dân,

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ gia đình nông dân. Rõ nhất, đó là những ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (Covid-19) gây ra.

Tại Việt Nam, 2 lần dịch bệnh Covid-19 xuất hiện bùng phát vào đầu tháng 2/2020 và cuối tháng 7/2020 đã gây ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cùng với sự hành động chống dịch quyết liệt, không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, dịch Covid-19 ở nước ta nay đã cơ bản và chắc chắn được khống chế. Đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan, trên thế giới dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội nước ta. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn và trực tiếp là người nông dân sẽ còn bị ảnh hưởng lớn. Việc quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố cùng với tình hình diễn biến phức tạp của bệnh, dịch trên quy mô toàn cầu đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, trong đó có chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.

Sự đứt gãy ở chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm này có thể ở quy mô xuyên quốc gia, nhưng cũng có không ít chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị đứt gãy ngay trong phạm vi 1 vùng, khu vực hay 1 tỉnh, thành phố… Và đương nhiên, một trong những đối tượng chịu thiệt hại lớn của sự đứt gãy đó chính là những người nông dân trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, làm ngành nghề nông thôn và làm dịch vụ.

Hôm nay, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin được chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người mất bởi dịch bệnh Covid-19; chia sẻ với những mất mát, thiệt hại của hội viên, nông dân do dịch, bệnh Covid-19 gây ra; bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thuộc tất cả các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ của ngành Y tế, lực lượng Bộ đội biên phòng, các lực lượng chức năng khác đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ trong phòng, chống dịch góp phần chiến thắng dịch bệnh.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi cũng bày tỏ sự cảm kích, tinh thần ủng hộ nhiệt tình của đồng bào nông dân đối với những quyết sách của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ trong việc phòng, chống, kiểm soát thành công dịch Covid-19 tại Việt Nam!

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào nông dân,

Dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ được kiểm soát, thế giới và Việt Nam lại trở về trạng thái bình thường, trong đó, người nông dân lại tiếp tục công việc sản xuất, kinh doanh, cũng như đối mặt với những khó khăn, thử thách. Và hôm nay, với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 vừa qua.

Chủ đề của Hội nghị càng nhiều ý nghĩa đối với khu vực miền Trung -Tây Nguyên, bởi đây là khu vực được Đảng, Nhà nước xác định không chỉ có tầm chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh mà còn có tầm chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, các thế mạnh, tiềm năng phát triển về kinh tế biển, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm…

Tuy nhiên, trong bối cảnh 2 lần dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta và cùng sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã bị ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ. Đó là tình trạng thủy sản, hải sản đánh bắt và nuôi trồng khó tiêu thụ, ùn ứ, giá giảm; đó là tình trạng các mặt hàng trái cây, đặc biệt là trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ùn ứ, giá giảm sâu…

Dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại lớn đối với nông dân, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, đồng thời cũng làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu, những thách thức, khó khăn đối với các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, nhất là chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm xuất khẩu…

Chính vì vậy, những vấn đề đặt ra tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III này không chỉ là những vấn đề riêng của nông dân, doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà cũng là những vấn đề của nông dân, doanh nghiệp ở các khu vực khác trong cả nước đang cần được quan tâm tháo gỡ. Tại Hội nghị lần này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi thiết nghĩ, các đại biểu tập trung vào thảo luận, đối thoại ở một số nội dung, vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đề xuất giải pháp, biện pháp, chính sách khuyến khích nông dân rời bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bị động, thiếu bền vững chuyển sang tư duy kinh doanh nông nghiệp làm ăn lớn, sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, xây dựng, hình thành các hình thức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm với hai khâu quan trọng nhất phải thực hiện là khoa học công nghệ và khoa học quản trị để thực hiện được mục tiêu ba cao là năng suất, chất lượng cao, giá trị cao.

Thứ hai, vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp, nhất là khu vực sản xuất kinh doanh còn quá nhỏ so với nhu cầu, làm cho sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao; quy trình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện và chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ ba, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, không ổn định nhất là vấn đề quy hoạch các vùng sản xuất nông sản trọng điểm, xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nhà kho chứa vật tư và sản phẩm nông nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường ....

Những vấn đề vừa nêu là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, cung vượt cầu; chất lượng sản phẩm còn thấp; rủi ro, thất thu còn cao và đó còn là tình trạng đổ bể, vỡ nợ ở nhiều đại lý ký gửi nông sản, trong đó khu vực miền Trung-Tây Nguyên xảy ra không ít vụ việc…

Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở ở nhiều nơi, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều mặt hạn chế; trình độ học vấn, kỹ năng, năng lực đổi mới và sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn chưa cao nên năng suất lao động còn thấp, theo đó sản phẩm nông nghiệp có giá thành cao dẫn tới giảm tính cạnh tranh trên thị trường, ngay cả thị trường nội địa. Điển hình nhất là ngành chăn nuôi, ngành mía đường, ngành nuôi trồng thủy sản…

Thứ năm, Việt Nam ta có tiềm năng lớn là dân số nông thôn với 63.086.436 người, chiếm 65,6% tổng dân số cả nước; nông dân cần cù và sáng tạo, yêu nước và đoàn kết nhưng các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích nông dân thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp chưa đồng bộ nên tiến độ hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm còn chậm dẫn đến việc lãng phí về cơ hội, lãng phí về tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lực xã hội, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học cho ta sản xuất được cả 3 nhóm nông sản nhiệt đới, Á nhiệt đới và ôn đới. Với hàng ngàn giống cây con thổ sản, dược liệu quý hiếm.

Thứ sáu, một bộ phận không nhỏ nông dân có tâm lý không muốn làm nông nghiệp, tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ chuồng, bỏ chăn nuôi vẫn đang diễn ra ở không ít địa phương; không ít nông dân, nhất là thanh niên nông thôn không còn thiết tha với đồng ruộng, họ chuyển sang làm ngành nghề khác, hoặc đến các đô thị làm ăn, có thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp… trong khi chính sách đất đai chưa thực sự khuyến khích, hoặc tạo cơ chế, hành lang pháp lý vững chắc cho việc tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm…

Thứ bảy, việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng phân bón đã được quản lý tốt hơn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của nông dân. Thị trường sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư phân bón vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, nhất là nạn phân bón kém chất lượng, vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng nhái và giá cả không ổn định, đặc biệt, công tác giống cây trồng, vật nuôi của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác thanh tra và xử lý chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân, doanh nghiệp…

Về vấn đề này đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại ngày càng tăng như hiện nay vì tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, dùng cho sản xuất phân bón. 

Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá trị sản phẩm tăng từ 5 đến 8% tùy vào sản phẩm phân bón và phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp chiếm từ 40 đến 50% nên chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng nên và nông sản cũng phải chịu "đội giá". 

Điều đáng nói là quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp nhập khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước trong khi đồng chí Thủ tưởng Chính phủ và Chính phủ đang yêu cầu sản xuất mạnh phân bón hữu cơ trong nước.

Thứ tám, mặc dù các cấp ủy Đảng tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, chính quyền các cấp nâng cao nhiệm vụ quản lý, các lực lượng chức năng được tăng cường nhưng tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn nhiều nơi còn phức tạp. Điển hình nhất là tình hình trạng tranh chấp đất đai, tài sản trên đất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với đơn vị, tổ chức khác; đó là tình trạng nội bộ nông dân phá hoại cây trồng, vật nuôi, tài sản của nhau ở nông thôn… là những vấn đề cần được quan tâm.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào.

Nông dân Việt Nam với truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì Độc lập-Tự do-Hạnh phúc của dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội, luôn tìm tòi đổi mới và sáng tạo đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Những vấn đề tôi vừa trình bày đều là những vấn đề mà hội viên, nông dân trong thời gian qua đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất với mức độ tập trung cao. Rất mong được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền quan tâm tháo gỡ.

Trước khi dừng lời, một lần nữa, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị đối thoại hôm nay!

- Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp!

-Xin cảm ơn các tập thể và các nhân đã hỗ trợ, đồng hành với Ban Tổ chức chương trình!

- Chúc Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân thành công tốt đẹp!

- Xin trân trọng cảm ơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem