Tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất bao nhiêu năm tù?

Quang Trung Thứ tư, ngày 27/03/2024 06:23 AM (GMT+7)
Bộ luật hình sự quy định, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. Đây là khung phạt cao nhất của tội danh.
Bình luận 0

" Shark Thủy " bị bắt tạm giam

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đang xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.

Tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất bao nhiêu năm tù?- Ảnh 1.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame; ngày 22/3/2024, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với:

Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame.

Đặng Văn Hiển, Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Điều luật này quy định, hành vi của tội phạm lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà người bị hại không biết được có hành vi gian dối.

Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Theo vị luật gia, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội danh có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của người phạm tội với mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại.

Đặc biệt, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hình phạt, Điều 174 Bộ luật hình sự quy định, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể (khoản 1).

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng… sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm (khoản 2).

Còn trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt từ 7 đến 15 năm (khoản 3).

Và mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên (khoản 4).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem