"Tôi luôn khát khao đóng góp ý kiến, mời gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng"
PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên BCH VCCI, Đại biểu Quốc hội khoá XIII về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với nền kinh tế.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng: Vai trò thủ lĩnh của các doanh nhân rất quan trọng
Thưa ông, là một doanh nhân, ông có thể chia sẻ vai trò của một doanh nghiệp, doanh nhân với sự phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
Vai trò là một doanh nhân, là chủ một doanh nghiệp với tôi trước hết là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Đất nước, một doanh nghiệp lớn mạnh phát triển bền vững hoạt động hiệu quả sẽ có khả năng cạnh tranh quốc tế hơn, nên đóng góp cho nền kinh tế sẽ nhiều hơn.
Có thể nói, sức mạnh kinh tế của một quốc gia thể hiện qua sự thành công của các doanh nghiệp nằm bên trong nền kinh tế đó, quốc gia nào càng có nhiều Tập đoàn lớn, thương hiệu lớn thì nền kinh tế quốc gia đó càng vững mạnh.
Trong đó, vai trò thủ lĩnh của các doanh nhân rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bất kể một lĩnh vực gì cũng phải thượng tôn pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì mới phát triển bền vững được.
"Tôi luôn khát khao đóng góp ý kiến, mời gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng"
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra sao?
Ở những vị trí khác nhau, tôi luôn khát khao đóng góp ý kiến, mời gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng nói riêng và đến với vùng ĐBSCL nói chung. Tôi làm tất cả những việc này trước hết xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của một công dân, một người con được sinh ra, trưởng thành từ miền đất Chín Rồng, với khát khao quê hương ngày một đổi mới, phát triển mạnh mẽ.
Cần khẳng định rằng, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh:
Đây là vùng có diện tích tự nhiên và dân số lớn: Hơn 40.000 km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước); hiện nay đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước.
ĐBSCL có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông: Có đường bờ biển dài 700 km và trên 360 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế. Có tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP.Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ... Đồng thời, vùng ĐBSCL nằm trong khu vực có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng.
Đặc biệt, ĐBSCL rất thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng (chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước).
Bên cạnh đó, ĐBSCL có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, đặc biệt phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.
Những năm gần đây, việc đầu tư vào ĐBSCL ngày càng được quan tâm hơn. Cụ thể, Tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư ngân sách nhà nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL là trên 318 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD); tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược.
"Phần lớn các chính sách đã được ban hành là đúng, trúng"
Như đã nói ở trên, ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, theo ông điều kiện đầu tiên để phát triển kinh tế vùng này là gì?
Vùng ĐBSCL nằm ở vị trí chiến lược dọc hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, kết nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan. Vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu lương thực, thuỷ sản và cây ăn trái lớn nhất Việt Nam với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc.
Trước hết là nỗ lực đầu tư để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống giao thông. Việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL bị hạn chế. Bởi, hạ tầng giao thông vận tải của Vùng chưa được phát triển kịp thời, còn nhiều điểm nghẽn trong kết nối kết cấu hạ tầng GTVT, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng.
Mạng lưới đường thủy nội địa của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành bởi 2 hệ thống sông chính là sông Tiền, sông Hậu. Tổng chiều dài các tuyến đường thủy 14.826km, trong đó, đường thủy nội địa quốc gia là 2.882km, đường thủy nội địa địa phương 11.836km và hệ thống cảng thủy đa dạng.
Đây là khu vực có mật độ đường thủy nội địa cao nhất nước (đạt 0,61km/km2) là thế mạnh để phát triển đường thủy ĐBSCL trong việc vận tải, giao thương cũng như liên kết với đường biển, đường bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tuy nhiên, dịch vụ logistics của Vùng ĐBSCL chưa phát triển. Hiện 70% hàng hóa tại ĐBSCL phải được di chuyển đến các cảng biển khu vực TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Điều này khiến chi phí vận tải doanh nghiệp cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến và thời gian giao hàng dài (7-10 ngày). Qua đó, chi phí vận tải nói riêng và chi phí logistics của Vùng ĐBSCL nói chung còn cao so với cả nước.
Do vậy, để tăng cường kết nối vận tải đa phương thức (đặc biệt là phát huy vai trò gom hàng, giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy nội địa), giảm chi phí vận tải, phát triển dịch vụ logistics thì cần thiết phải phát huy tiềm năng, lợi thế đặc biệt đối với mạng lưới đường thủy nội địa vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ logistics.
Để làm được những hạ tầng giao thông cần số vốn rất lớn và chúng ta thấy rằng Chính phủ đã có kế hoạch, mục tiêu rất rõ ràng. Chất lượng nguồn lao động là yếu tố quan trọng và rất cần được các tỉnh, thành phố trong khu vực quan tâm, hiện nay đây vẫn là điểm yếu. Yếu tố quan trọng nữa là năng lực của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về chính sách kích thích doanh nghiệp phát triển, theo ông Nhà nước cần có những giải pháp gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tạo ra công ăn việc làm cho người lao động?
Thời gian vừa qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Điều này, thể hiện rõ trong việc phòng chống dịch Covid-19 và hậu Covid-19 có những chính sách kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ có như thế thì nền kinh tế - xã hội của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, lành mạnh, bền vững.
Phần lớn các chính sách đã được ban hành là đúng, trúng, đáp ứng được mong đợi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng như tôi từng nhiều lần nêu ý kiến, vấn đề đáng nói nhất với chúng ta là năng lực thực thi chính sách. Chính sách đúng nhưng nếu thực thi mà ở khâu nào đó, bộ phận nào đó trong bộ máy họ làm sai, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì chính sách bị làm méo mó, thiếu hiệu quả.
Vì vậy, điều chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước là kiểm soát bộ máy thật tốt, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "vừa hồng vừa chuyên" thì đất nước chúng ta sẽ phát triển nhanh và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!