Tổn thương sụn chêm khớp, chấn thương dễ gặp khi chơi thể thao

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 09/04/2023 06:43 AM (GMT+7)
Theo các bác sĩ, tổn thương sụn chêm khớp rất thường gặp ở người chơi thể thao. Ngoài ra, nhiều trường hợp tai nạn giao thông cũng gặp chấn thương này.
Bình luận 0

Anh Nguyễn Văn H (25 tuổi, Hà Nội) vừa được chẩn đoán tổn thương sụn chêm khớp sau một trận bóng đá. 

Anh H cho biết, trong trận đấu bóng, anh có bị bạn đá mạnh vào chân và ngã đập đầu gối xuống sân bóng. Sau đó, anh cũng chỉ thấy đau nhẹ, đi lại tập tễnh. 

Tuy nhiên, anh H thường xuyên bị va chạm như thế nên cho rằng chỉ bị bầm tím, đau đớn tạm thời. Sau vài ngày đi tập tễnh, anh thấy khớp chân ngày càng bị cứng, có lúc không co duỗi được thoải mái và cơn đau ở đầu gối ngày càng nhiều lên. 

Đến viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị tổn thương sụn chêm khớp nghiêm trọng, nếu không điều trị ngay sẽ ảnh hưởng đến vận động sau này. 

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức, tổn thương sụn chêm khớp rất thường gặp ở người chơi thể thao. Ngoài ra, nhiều trường hợp  tai nạn giao thông cũng gặp chấn thương này.  

Tổn thương sụn chêm khớp, chấn thương dễ gặp khi chơi thể thao - Ảnh 1.

Ngày nay, nhờ có nội soi khớp gối mà việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị các tổn thương sụn chêm khớp trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. (Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Theo PGS Khánh, khớp gối có sụn chêm trong và ngoài nằm giữa xương đùi và xương chày, cấu tạo chủ yếu bởi mô sợi sụn (fibrocartilage) chiếm 75% và elastin, proteoglycan chiếm 25%.

Trong đó, sụn chêm chịu khoảng 45% trọng lượng của cơ thể và di động trên mâm chày song song với việc gấp duỗi gối. Mặt cong của sụn chêm có tác dụng phân phối lực và chuyển bớt 30-55% lực sang ngang.

Hình dạng của sụn chêm thay đổi trong quá trình gấp duỗi cũng như xoay trong, xoay ngoài để phù hợp với diện tiếp xúc giữa xương đùi và xương chày, góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp gối.

Sụn chêm có vai trò tạo sự tương hợp giữa hai mặt tiếp xúc, phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp, đồng thời lấp đầy khe khớp gối, tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.

"Sụn chêm rất quan trọng trong việc hoạt động của chân, tuy nhiên, cũng rất dễ chấn thương khi chơi thể thao hay tai nạn giao thông. Người bị tổn thương sụn chêm nếu không được điều trị ngay sẽ có nguy hại đến việc vận động sau này", PGS Khánh chia sẻ.

PGS Khánh cho biết, người bị tổn thương sụn chêm khớp thường thấy dấu hiệu đau tại khớp gối sau khi chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp; đau tại khe khớp khi ấn ngón tay vào khớp gối; tràn dịch khớp gối.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng như: Dấu hiệu kẹt khớp: đôi khi bệnh nhân đột ngột không thể duỗi hết gối, sau khi cố gắng vận động gối có thể duỗi trở lại. Dấu hiệu lục khục trong khớp: khi đi lại hoặc gấp duỗi gối người bệnh có cảm giác hoặc nghe thấy lục khục trong khớp.

Với những trường hợp nặng có thể bị teo cơ tứ đầu đùi, thường do hậu quả của hạn chế vận động chân bên đau.

"Khi người bệnh có các triệu chứng kể trên, khó hoạt động, di chuyển cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng. 

Ngày nay, nhờ có nội soi khớp gối mà việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị các tổn thương của sụn chêm trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Việc chậm đi viện có thể sẽ khiến các tổn thương nặng thêm và khó điều trị, phục hồi sau này", PGS Khánh chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem