Tổng cục Hải Quan: Asanzo là điển hình gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia chiều 2/1, ông Nguyễn Văn Cẩn - tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.
Năm 2019, ngành hải quan đã tập trung đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Rất nhiều mặt hàng, điển hình như hàng sợi, may mặc, tiêu dùng, điện tử… là Trung Quốc nhưng bên trong dán mác Made in Việt Nam. Thậm chí, có mặt hàng lấy thương hiệu Việt, giấy bảo hành, địa chỉ doanh nghiệp ở Việt Nam. "Asanzo là điển hình gian xuất xứ", ông Cẩn nói.
Ông Cẩn cũng thừa nhận, việc xử lý vấn đề này hiện vẫn rất khó khăn bởi có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo."Ví dụ hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư", ông Cẩn nói.
Từ thực trạng này, ông Cẩn kiến nghị ngay trong quý I các bộ ngành cần rà soát, cấp thông tư thì ban hành rõ ràng, cấp nghị định thì sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.
"Nếu bộ ngành thống nhất cao, quy định pháp luật rõ ràng, vụ Asanzo không đến mức như vậy", ông Cẩn nói.
Cũng nói về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết đang có những phương thức, thủ đoạn mới nổi lên: "Hàng giả hàng nhái đến từ nhập lậu biên giới và cửa khẩu, thậm chí có hàng giả Việt Nam sản xuất ở nước ngoài và thẩm lậu vào nội địa".
Ông Linh nhấn mạnh năm 2020 lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính quan trọng là đẩy lùi hàng giả. Quản lý thị trường sẽ ban hành kế hoạch đấu tranh phòng ngừa xử lý vi phạm và "tấn công" các tụ điểm sản xuất hàng giả, với danh sách 20 tỉnh thành phố và các địa bàn cụ thể sản xuất và bán hàng giả như khu vực phố cổ, làng nghề, trung tâm thương mại…
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 4%), khởi tố 1.864 vụ án (tăng 29%) với 2.184 đối tượng (tăng 32%).
"Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Những sơ hở, bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu vẫn chưa khắc phục triệt để nên các đối tượng vẫn lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với số lượng lớn", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.