Tổng Công ty Dâu tằm tơ: Xốc lại hay giải thể?

Thứ ba, ngày 26/10/2010 15:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - UBND tỉnh Lâm Đồng nhận được chỉ đạo của Chính phủ: Phối hợp cùng Bộ NN&PTNT cơ cấu tài chính để chuyển Viseri (Tổng Cty Dâu tằm tơ VN) thành Cty cổ phần trong năm 2010, nếu không được thì giải thể.
Bình luận 0

Con tàu lớn...

Viseri được đánh giá là doanh nghiệp lớn nhất VN trên lĩnh vực dâu tằm tơ, được thành lập năm 1995 trên cơ sở tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp dâu tằm tơ, có trụ sở đóng tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) - "thủ phủ" dâu tằm tơ VN.

img
Trong lúc Viseri làm ăn thua lỗ thì nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm.

Ở thời vàng son của ngành dâu tằm (nửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước), trong diện tích 38.000ha dâu của cả nước, Lâm Đồng chiếm 17.850ha, với sản lượng kén mỗi năm hơn 17.000 tấn và ươm trên 15.000 tấn tơ.

Cũng trên địa bàn Lâm Đồng trong những năm cuối 90, Viseri có đến 5 nhà máy ươm tơ tự động với công suất thiết kế hơn 900 tấn tơ mỗi năm cùng với 10 xưởng ươm cơ khí có công suất 300 tấn/năm.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian hoạt động không lâu, đến cuối những năm 90, "con tàu lớn" Viseri bắt đầu rạn nứt bởi cách làm ăn… không giống ai. Tình trạng nợ chồng lên nợ, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thua lỗ… đã đẩy "con tàu lớn" Viseri đến bờ vực của sự phá sản.

... Và nguy cơ “đắm”...

Số liệu báo cáo của ngành chức năng cho thấy: Trong vòng 10 năm chuẩn bị cho việc thành lập từ 1985-1995, Viseri đã đầu tư riêng cho sản xuất một khoản tiền khổng lồ: 556 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều oái oăm là trong số tiền đã chi ra để đầu tư phục vụ sản xuất đó, có đến hơn 28 tỷ đồng được dùng vào việc mua sắm những thứ thiết bị hoàn toàn không cần dùng đến.

Bên cạnh đó, Viseri trong những năm đó cũng đã hào phóng chi 34 tỷ đồng cho những hạng mục "xã hội" không hề liên quan gì đến hoạt động SXKD của đơn vị.

Chưa hết, vào tháng 1-2005, mặc dù không có ý kiến của hội đồng, nhưng tự ý mình, ông Tổng Giám đốc Dương Xuân Túy đã hạ bút ký kết với Matsumara (một đơn vị kinh tế của Nhật Bản) thỏa thuận hạ từ 20 - 35% giá thành đối với nhiều mặt hàng xe tơ gia công mà Viseri nhận thực hiện cho phía Matsumara. Trong "phi vụ" giảm giá thành xe tơ này, Viseri đã tự gây thiệt hại cho mình nhiều tỷ đồng.

Cách làm ăn bất chấp hậu quả ngay từ ngày đầu thành lập đến nay đã khiến cho Viseri ngày càng chìm sâu vào vũng lầy thua lỗ. Theo kết luận của cơ quan chức năng, từ khi thành lập (1995) đến trước năm 2000, khoản tiền lỗ của Viseri được chốt lại ở con số 88 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, sau năm 2000, kế hoạch "thay máu" con tàu Viseri đã được đưa ra: Cùng với việc điều một người khác (ông Dương Xuân Túy) về làm Tổng Giám đốc thay cho Tổng Giám đốc cũ (về hưu), một chương trình vay vốn trong và ngoài nước được đưa ra và thực hiện nhằm cứu con tàu Viseri trước nguy cơ đắm chìm.

Thế nhưng, chỉ trong 5 năm tiếp theo, thất vọng vẫn hoàn thất vọng khi khoản nợ mới được chốt lại vào năm 2007 của Viseri lên đến gần 1.000 tỷ đồng.

Có nên vực dậy một “bóng ma”?

Theo kết luận của cơ quan chức năng, trong 3 năm "làm ăn" với nước ngoài trong "phi vụ" giảm giá thành xe tơ này, Viseri đã tự gây thiệt hại cho mình nhiều tỷ đồng.

Trong nhiều năm gần đây, sự tồn tại của Tổng Công ty Dâu tằm tơ VN chỉ còn là cái vỏ. Cùng với việc nhiều đơn vị thành viên của Viseri đã phải thực hiện phá sản thì bản thân ông Tổng Giám đốc Dương Xuân Túy cũng đã phải hầu tòa.

Trước tình cảnh khốn khó của Viseri, câu hỏi được đặt ra là có nên vực dậy một "bóng ma" của ngành dâu tằm? Và, điều đáng lưu ý là, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nếu không thực hiện được cổ phần hóa Viseri trong năm 2010 này thì cần giải thể, hoặc phá sản Tổng Công ty Dâu tằm tơ theo luật định!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem