Tổng cục Du lịch và Quản lý thị trường phối hợp xử lý nạn bán hàng giả, "chặt chém" du khách

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 30/10/2020 19:08 PM (GMT+7)
Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường đã ký kết quy chế nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Đặc biệt với việc kết nối thông tin này, Cục quản lý thị trường sẽ xử lý nhanh nạn buôn bán hàng giả, "chặt chém" du khách.
Bình luận 0

Ngày 30/10, Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các ban ngành, lãnh đạo hai bên.

Lễ ký kết Quy chế với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, lấy khách du lịch làm trọng tâm và góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Quản lý thị trường xử lý buôn bán hàng giả, "chặt chém" du khách  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: "Ngành du lịch có quan hệ gắn bó chặt chẽ với ngành thương mại - quản lý thị trường. Hai ngành đều có mục tiêu chung là phục vụ người tiêu dùng - khách du lịch với các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh cả hai ngành đang tích cực ứng dụng công nghệ số, sẵn sàng cho tình trạng "bình thường mới", thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ giao, việc tăng cường phối hợp giữa hai ngành có ý nghĩa rất quan trọng.

Đặc biệt, một trong những sản phẩm đó là Ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", được triển khai theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua đó, có thể thấy tiềm năng to lớn khi sản phẩm được kết nối với hệ thống thông tin, nghiệp vụ của Tổng cục Quản lý thị trường, cho phép hai Tổng cục dễ dàng trao đổi thông tin, dữ liệu, phối hợp tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. 

Thông qua Ứng dụng và Quy chế phối hợp giữa hai bên, không chỉ Tổng cục Du lịch và Tổng cục  Quản lý thị trường mà cả các Sở quản lý nhà nước về du lịch và các Cục quản lý thị trường ở địa phương có cơ sở hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về thị trường phục vụ khách du lịch ở cơ sở".

Ông Nguyễn Trùng Khánh tin tưởng việc ký kết phối hợp giữa hai bên là cơ sở để tạo ra đột phá mới trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và quản lý thị trường. Sự phối hợp giữa hai bên sẽ tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ số thực sự mới mẻ, đột phá, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. 

Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên lên tầm cao mới, sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường thống nhất nội dung phối hợp chủ yếu như sau: Tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật; 

Thống nhất trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch…

Quản lý thị trường xử lý buôn bán hàng giả, "chặt chém" du khách  - Ảnh 2.

Lễ ký kết giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc phát hiện, xử lý, bảo đảm thị trường nội địa hoạt động lành mạnh. Chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch trong năm 2020 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Trần Hữu Linh khẳng định việc thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa và triển khai ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn là rất cần thiết để ngành du lịch có thể từng bước phục hồi. 

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, việc kết nối từ ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn vào hệ thống phần mềm của quản lý thị trường sẽ giúp đơn vị tiếp nhận phản hồi cụ thể của khách bị mua hàng giả, hàng nhái, giá quá cao, thậm chí là "chặt chém". 

Đồng thời du khách có thể phản ánh chất lượng tour, dịch vụ không đúng với quảng cáo. Từ thông tin này, các đội quản lý thị trường sẽ có mặt nhanh chóng để xử lý kịp thời những phản ánh của du khách.

Cũng tại lễ ký kết, Tổng cục Du lịch cho biết, trong thời gian qua Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia"; ứng dụng "Du lịch Việt Nam", "Hướng dẫn Du lịch Việt Nam", "Du lịch Việt Nam an toàn"... Điểm chung của các ứng dụng này là lấy khách du lịch làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi khách du lịch thông qua phát triển tính năng tiếp nhận và xử lý phản hồi của du khách về chất lượng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, công ty lữ hành...

Tổng cục Du lịch đã giới thiệu về Ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" được ra mắt ngày 10/10/2020, theo đó du khách có thể tiếp cận được các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú... và tương tác trực tiếp trên hệ thống để kiểm tra thông tin, mức độ an toàn và dễ dàng đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch... Ngoài ra, du khách còn có thể gửi phản hồi, đánh giá về chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý hoặc công ty lữ hành ngay trên ứng dụng giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem