TP.HCM: Cần có biện pháp linh hoạt để tránh tình trạng giữ trẻ 'chui'

Thiên Tường Thứ sáu, ngày 12/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Để có thể đi làm trở lại, rất nhiều phụ huynh phải tìm đến các cơ sở giữ trẻ "chui", khi mà tất cả các cơ sở giáo dục trong thành phố chưa được phép mở cửa.
Bình luận 0

Nhu cầu tất yếu

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách, cho phép người dân trở lại hoạt động bình thường. Thế nhưng, cả thành phố chỉ mới có 2 trường học tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) được đón học sinh đi học trực tiếp. 

Không có người giữ con, rất nhiều phụ huynh phải tìm đến các nhóm trẻ mở "chui" để có thể đi làm trở lại.

Chị Kiều Ân (quận 12) cho biết, mặc dù rất lo lắng khi gửi con trong thời điểm này, nhưng đây là cách duy nhất để có thể đi làm trở lại.

TP.HCM: Cần có biện pháp linh hoạt để tránh tình trạng giữ trẻ "chui" - Ảnh 1.

Một lớp nhóm trẻ giữ tại nhà ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: Thiên Tường

Chị Ân có hai con nhỏ, một bé gần 4 tuổi và một bé gần 2 tuổi. Suốt mấy tháng qua, hai vợ chồng chị phải nghỉ việc ở nhà công ty tạm ngưng do dịch Covid-19. Tất cả các khoản chi phí trong gia đình đều phải vay mượn nên khi thành phố nới lỏng, công ty cũng gọi vợ chồng chị đi làm trở lại luôn.

"Không có ai giữ con giúp, tôi liên hệ với cô giáo mầm non trước đây của bé lớn để nhờ giữ con. Cô giáo cho biết cũng đang giữ 6 bạn nhỏ khác, thêm hai đứa con tôi là 8 bé. Thấy cô giữ nhiều quá, tôi gọi điện cho một cô giáo khác, nhưng cũng trong tình trạng tương tự là đang giữ 5-7 bé. 

Rất lo lắng, nhưng tôi vẫn phải gửi con để có thể đi làm. Chỉ mong các cô và phụ huynh cùng cẩn thận hết sức để tránh nguy cơ lây nhiễm cho trẻ" – chị Ân nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với nhu cầu tất yếu của phụ huynh, các nhóm trẻ xuất hiện rất nhiều trên địa bàn thành phố. Mức học phí cho một trẻ giao động từ 100 – 150 ngàn đồng/ngày và thời gian từ thứ 2 đến thứ 7, thậm chí giữ luôn chủ nhật nếu phụ huynh có nhu cầu.

TP.HCM: Cần có biện pháp linh hoạt để tránh tình trạng giữ trẻ "chui" - Ảnh 2.

Nhóm trẻ tại đường Trương Hoàng Thanh bị đình chỉ hoạt động hôm 5/11. Ảnh: Thiên Tường

Một giáo viên mầm non tại Gò Vấp cho biết, ban đầu cô chỉ nhận giữ 2-3 bé, nhưng nhiều phụ huynh "tha thiết" nhờ giữ để đi làm. Cuối cùng, cô cũng chỉ nhận thêm 3 bé vì không dám giữ quá nhiều. Các bé cô đang giữ có độ tuổi từ 3-5, sáng khoảng 7h đến nhà cô và chiều phụ huynh đón từ 17-18h. Với mức học phí 100 ngàn/ngày, cô giữ và lo cho các bé bữa sáng, trưa, xế. Phụ huynh tự mang theo sữa cho con.

Tuy nhiên, đây là hoạt động chưa được phép khi mà dịch bệnh tại thành phố vẫn còn phức tạp. Gần đây, một nhóm trẻ hoạt động "chui" trên đường Trương Hoàng Thanh (phường 12, quận Tân Bình) đã bị kiểm tra, đình chỉ hoạt động và lập biên bản xử phạt.

Đề xuất cho học sinh mầm non sớm được đi học

Tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GD-ĐT) mới đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội TP.HCM cho biết, rất trăn trở về việc các doanh nghiệp, xí nghiệp mở cửa trở lại, phụ huynh phải đi làm thì nhu cầu tìm nơi trông giữ trẻ sẽ tăng cao.

Chính vì vậy, ông Bình cho rằng ngành GD-ĐT cần có biện pháp linh hoạt. "Nếu không cho trường mầm non, nhóm giữ trẻ hoạt động thì con em của người dân sẽ ở đâu? Không lẽ khóa cửa phòng trọ cho con ở trong thì nguy hiểm hơn nhiều về điện đóm… rồi đủ thứ chuyện!" – ông Bình nói.

TP.HCM: Cần có biện pháp linh hoạt để tránh tình trạng giữ trẻ "chui" - Ảnh 3.

Hoạt động ngoài trời của trẻ mầm non thời điểm trước dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: Thiên Tường

Ngoài ra, ông Bình cũng bày tỏ quan điểm về việc mở cửa trường lớp nhưng không cho bán trú, không học 2 buổi sẽ dẫn đến nhiều áp lực khi cha mẹ đi làm 2 buổi nhưng trưa phải về đón con, tìm người trông con. Sau đó, phát sinh chuyện các nhà xung quanh trường sẽ nhận trông trẻ khi tan học...

Tại cuộc họp này, bà Lưu thị Hồng Điệp – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đơn vị này rất quan tâm tới việc giám sát để không có cơ sở mầm non tự phát. 

 Ngoài ra, trong giai đoạn nghỉ dịch, đơn vị này đã phối hợp với đài truyền hình để chia sẻ clip tới phụ huynh, xây dựng cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin điện tử của ngành, phối hợp với phụ huynh để giúp cho các con có biện pháp tự phòng tránh dịch bệnh.

"Chúng tôi rất quan tâm và lo ngại nhất là bậc mầm non bởi các cháu chưa tự bảo vệ mình bằng 5K. Chúng tôi mong muốn khi trẻ được quay trở lại học tập thì các cơ sở sẽ chú trọng công tác phân luồng, đảm bảo an toàn để phụ huynh an tâm, công việc thuận lợi" - bà Điệp nói.

Cũng theo bà Điệp, thành phố có 22.580 trẻ đi về quê cùng cha mẹ nên áp lực trường lớp cũng đỡ hơn trước. Khi mở cửa lại, đơn vị này sẽ đề xuất cho trẻ lớp 5 tuổi đi học trước và đề xuất bán trú cho trẻ mầm non. Cùng với đó là sự phối hợp với ngành Y tế để hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, nhất là mầm non tư thục có phương án khi có F0 xuất hiện trong trường học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem