TP.HCM chi hơn 4.700 tỉ đồng để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 14/02/2023 17:22 PM (GMT+7)
Trong năm 2022, TP.HCM chi hơn 4.700 tỷ đồng để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Bình luận 0
Ngày 14/2, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP.HCM trong năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

4.726 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ việc làm

Trong năm 2022, số doanh nghiệp, tổ chức tham gia BHTN đạt gần 104.000 đơn vị. Trong đó, hơn 2,4 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tham gia BHTN.

TP.HCM chi hơn 4.700 tỉ đồng để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề  - Ảnh 1.

TP.HCM chi hơn 4.700 tỷ đồng để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho người lao động trong năm 2023. (Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp)

Cũng trong năm, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 150.000 người. Trong đó, hơn 146.000 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và gần 3.000 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tổng số tiền đã chi trả cho trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề trong năm 2022 ở TP.HCM là hơn 4.726 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM  cho biết, số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất là nữ dưới 35 tuổi, khoảng 30,5%, trên 35 tuổi chiếm 26,2%; lao động nam dưới 35 tuổi 20,6% và nam trên 35 tuổi chiếm 22,6%.

Số lượng người không có bằng cấp chứng chỉ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ 56,6%; đại học và trên đại học chiếm 31,1%; cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 5,6%; trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp chiếm 4,6%; người lao động có chứng nhận, chứng chỉ sơ cấp chiếm 1,9%.

Người lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 40,2%, từ 4 -7 tháng chiếm gần 29% và từ 8 - 12 tháng chiếm 30,8%.


Vẫn còn hàng loạt khó khăn

Về khó khăn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM  nhận định, cơ sở vật chất của các trung tâm dịch vụ việc làm đã xuống cấp, địa điểm hoạt động của 7 chi nhánh BHTN có diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng được số lượng người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TP.HCM chi hơn 4.700 tỉ đồng để trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề  - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng từ 0h sáng để làm bảo hiểm một lần trong năm 2022. Ảnh: MQ

Ngoài ra, việc thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định của người lao động cũng nhiều khó khăn. Trong đó, một số trường hợp không thu hồi được do người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lao động đã mất hoặc đi định cư nước ngoài. Một số trường hợp khác người lao động cố tình không nộp lại tiền hưởng TCTN nhận sai quy định vì đã hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, không tham gia BHXH bắt buộc.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay đa số người lao động bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp do người lao động không thông báo kịp thời với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM khi có việc làm và người sử dụng lao động không cung cấp kịp thời hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động. Vì vậy, người lao động không xác định được ngày có việc làm, đồng thời người sử dụng lao động chậm đóng hoặc truy đóng BHXH, BHTN cho người lao động, dẫn đến việc phải thu hồi một tháng hoặc hai tháng hưởng TCTN do đã chi nhiều hơn theo quy định.

Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM  kiến nghị Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) phân bổ thêm định suất để tăng cường nhân sự cho phòng BHTN và các chi nhánh thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được kịp thời, đúng quy định.

Đối với các trường hợp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệpsai quy định nhưng đã chết, định cư nước ngoài, bệnh hiểm nghèo, mất sức lao động không còn khả năng nộp tại tiền thu hồi TCTN..., Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu bổ sung các quy định để hỗ trợ xử lý dứt điểm các trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng nên không thu hồi được tiền TCTN.

Lao động thất nghiệp có thể tìm tới 5 địa điểm giao dịch thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh hoặc tới trụ sở chính đặt tại số 106/14D Điện Biên Phủ, P.17, quận Bình Thạnh để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động có thắc mắc có thể liên hệ trước bằng đường dây nóng để được giải đáp và hướng dẫn. Số điện thoại là: 02835147187.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem