TP.HCM: Doanh nghiệp chạy nước rút đơn hàng xuất khẩu cuối năm

Quốc Hải Thứ ba, ngày 23/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thị trường xuất khẩu cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang đến kết quả tích cực để doanh nghiệp (DN) bù lại những tháng ngày lao đao vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều khó khăn đang chực chờ doanh nghiệp…
Bình luận 0
TP.HCM: Doanh nghiệp chạy “nước rút” với đơn hàng xuất khẩu cuối năm - Ảnh 1.

Công nhân may tất bật với các đơn hàng mới... - Ảnh: Quốc Hải

Chạy đua với đơn hàng xuất khẩu cuối năm

Những ngày cuối năm, không khí làm việc tại Công ty TNHH may mặc Dony (Q.Tân Bình) diễn ra khá khẩn trương. Nhân viên từng khâu may, ráp, ủi… nhanh thoăn thoắt hoàn thiện các công đoạn sản phẩm để đóng gói, kịp thời giao đơn hàng cho đối tác cũ và thực hiện hợp đồng mới.

Tổng Giám đốc Công ty Dony Phạm Quang Anh, cho hay: "Chúng tôi đang tăng tốc để lấy lại đà tăng trưởng. Do đó, công ty phải hoạt động gần như 200% công suất để vừa chăm sóc khách hàng, vừa tiếp xúc khách hàng mới, vừa giữ nhịp điệu dây chuyền sản xuất".

Không khí khẩn trương này hầu như đang diễn ra ở nhiều DN ngành dệt may khi các DN này hầu hết đã nhận được đơn hàng sản xuất cho tới quý 1 năm sau, thậm chí có DN đã ký hợp đồng đến hết tháng 6/2022.

Tại Dệt may Thành Công - DN này đã đủ nhận đơn hàng đến quý 1/2022 với sản phẩm chính là đơn hàng truyền thống. Theo chia sẻ của DN này, từ tháng 10, các tỉnh thành phía Nam bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại, đây là giai đoạn chạy nước rút để kịp thời gian giao hàng cho các đối tác và chuẩn bị đơn hàng cho năm mới (Noel và Tết tây) - thời điểm bán hàng rất tốt ở các nước châu Âu, Mỹ.

Hiện, đơn vị đang chuẩn bị triển khai ký hợp đồng với một đối tác của Mỹ - là thương hiệu thời trang lớn, kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại đơn hàng trong tương lai.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 kéo dài, nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước trong 10 tháng đầu năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Dự báo trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ đô la/tháng, nâng tổng kim ngạch của ngành đạt khoảng 38 tỷ đô la khi kết thúc năm", ông Giang nói.

TP.HCM: Doanh nghiệp chạy “nước rút” với đơn hàng xuất khẩu cuối năm - Ảnh 2.

Dự báo, tổng kim ngạch của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 38 tỷ đô la trong năm 2021 - Ảnh: Quốc Hải

Không chỉ có ngành dệt may, nhiều ngành xuất khẩu thế mạnh khác như gỗ, thủy sản… cũng đang bứt tốt trong 2 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của hội có đơn hàng làm việc kéo dài đến tháng 3, thậm chí là đến tháng 6/2022.

Cũng theo ông Phương, trong số hơn 600 hội viên của HAWA thì có khoảng 95% đã sản xuất trở lại để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác theo hợp đồng đã ký.

"UBND TP.HCM đã chỉ đạo Cục Thuế làm việc với các chi cục thuế làm thủ tục hoàn thuế sớm, thay vì cuối năm để kịp thời giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả trở lại…" - bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Trong khi đó, một số DN ngành thực phẩm, nông sản… cũng đang tất bật với những đơn hàng cuối năm. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica, cho hay, đến nay nhà máy đã khôi phục sản xuất 100% sau khi thành phố mở cửa.

"Sau khi dịch lắng xuống, DN trên đà hồi phục tốt. Hơn 500 điểm phân phối sản phẩm của Chilica tại TP.HCM đã bắt đầu nhập hàng và giới thiệu đến người tiêu dùng. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch", ông Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, khó khăn không phải là không có với Tomcare. Theo ông Hiền, hiện chi phí vận chuyển bằng container còn cao khiến nhiều thị trường e ngại, điều đó khiến tính cạnh tranh của DN còn thấp…

Tăng tốc xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo 2 tháng cuối năm 2021, tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong trường hợp không có biến động quá lớn, dự kiến cả năm 2021, xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 600 tỷ USD.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.Thủ Đức, Chủ tịch Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn thông tin, hầu hết trong số 40.000 doanh nghiệp hội viên đã quay trở lại.

"Các doanh nghiệp đang ổn định hoạt động, theo nghĩa có đầu ra ổn định, tâm lý người chủ, lao động bình tĩnh hơn, dù F0 có thể xuất hiện", ông Việt Anh nói.

Theo ông Việt Anh, sự ổn định này đang được hậu thuẫn thêm bởi sự hỗ trợ giảm thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng từ ngày 1/11 đến hết năm.

"Thời điểm này là thời gian các nguyên vật liệu sẽ về cảng, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất, phát sinh các hoạt động mua bán..., nên việc giảm thuế VAT sẽ ngay lập tức hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện để DN tăng tốc sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm", ông Việt Anh nói thêm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN, dù tình hình kinh tế nói chung được cải thiện, nhưng có những khó khăn, thách thức khiến không ít doanh nghiệp phải e dè. Trong đó, tình hình thiếu container, giá cước vận tải cao và khả năng tái phong tỏa do dịch Covid-19 là mối nguy hàng đầu.

Cụ thể, theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, giá cước vận tải biển quý IV/2021 chưa hạ nhiệt do nhu cầu tăng cao là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Một khó khăn khác là đa số doanh nghiệp cần có dòng tiền để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, mong muốn được tiếp vốn tín dụng ưu đãi, hoặc giảm, giãn thời gian trả nợ…  Điều đáng mừng là thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, cho hay, đơn vị này đang tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem