TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế (bài 1): Quá tải từ cấp phường, xã

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 31/07/2022 18:56 PM (GMT+7)
Gần đây, áp lực trong công việc của cán bộ cấp phường, xã đông dân ở TP.HCM được khơi lại, bàn bạc nhiều hơn khi TP.HCM bị phê bình vì "dôi dư" 5.700 biên chế. Trong khi thực tế, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở TP.HCM đang cố gắng xoay xở để có thể hoàn thành "núi" công việc.
Bình luận 0

LTS: Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên với đặc thù của TP.HCM, các cấp lãnh đạo đều nhận định: Phải có cơ chế riêng về biên chế cho thành phố.

TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế: Bài 1: Quá tải từ cấp phường, xã - Ảnh 1.

Cán bộ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm việc không có giờ nghỉ. Ảnh: P.V

Cán bộ phường, xã phải làm việc tới 20h

Tình trạng quá tải công việc đang là vấn đề đau đầu ở nhiều phường, xã đông dân trên địa bàn TP.HCM. Điển hình là xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có khoảng 160.000 dân nhưng chỉ có 36 cán bộ, công chức, trung bình mỗi cán bộ công chức làm việc tại đây phải phụ trách hơn 4.000 dân.

"Cũng là xã loại 1 nhưng có xã 28.000- 30.000 dân, còn Vĩnh Lộc B là xã loại 1 nhưng lại có đến 160.000 dân. Dù đông dân hay ít dân thì cũng chỉ được bố trí 36 nhân sự làm việc. Đây là điều chưa hợp lý. Hơn nữa, xã Vĩnh Lộc B là địa bàn nóng về đất đai, xây dựng. Nếu không kịp thời phát hiện, cán bộ sẽ gánh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, còn người dân thì thiệt hại vì bị cưỡng chế, tháo dỡ", bà Trần Thị Thái Nguyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B dẫn chứng.

Tại xã Vĩnh Lộc A, theo Chủ tịch UBND xã Lại Thị Bích Trâm, tổng biên chế được giao của xã trong năm 2022 là 36 người nhưng thực tế đang khuyết 1 nhân sự, 1 nhân sự đã nghỉ việc cách đây 2 tháng. Xã hiện có hơn 167.000 dân, trung bình mỗi cán bộ công chức xã phụ trách 5.000 dân và làm từ 3 - 4 đầu việc nên ngày làm việc thường kết thúc vào khoảng 20h, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân có hơn 125.000 dân với 27 khu phố nhưng số cán bộ công chức chỉ 21 người, cán bộ không chuyên trách 14 người. Năm 2021, 35 cán bộ phải giải quyết trên 113.000 hồ sơ, chưa kể còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do lãnh đạo phường phân công.

Áp lực + thu nhập thấp = nghỉ việc

Nói về việc mỗi năm có 5 - 6 cán bộ công chức xin nghỉ việc do thu nhập thấp, không đủ sức khỏe, áp lực công việc…, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), cho biết phường có 107.000 dân, trong đó khoảng 60% là người nhập cư và có tới 8.000 doanh nghiệp với hộ kinh doanh.

Đây là địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên hồ sơ liên quan đất đai, xây dựng, mua bán chuyển nhượng… rất lớn. Vì vậy, công việc thường xuyên tại phường bị quá tải ở lĩnh vực hộ tịch - tư pháp, địa chính, kinh tế… Trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng bộ phận hộ tịch - tư pháp có khoảng 20.000 hồ sơ liên quan sao y chứng thực, đăng ký kết hôn, xác nhận độc thân, khai sinh, khai tử…

"Áp lực quá lớn, khiến cuộc sống, sức khỏe của cán bộ công chức bị ảnh hưởng rất nhiều. Anh chị em bị vợ chồng cự nự, tình trạng ly hôn cũng rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Nhiều người 2-3 năm chưa được nghỉ phép, chưa được nghỉ thứ bảy, chủ nhật", ông Tuấn thẳng thắn.

TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế: Bài 1: Quá tải từ cấp phường, xã - Ảnh 3.

Sau khi sáp nhập 3 quận, lượng công việc đổ về cán bộ TP.Thủ Đức ngày càng nhiều. Ảnh: P.V

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, sau một năm rưỡi thành lập, mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trên cả nước gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, sau khi sáp nhập 3 quận, số lượng dân cư lên tới 1,2 triệu người. Trong khi khối lượng công việc tăng lên nhưng 30% công chức, viên chức của 3 quận cũ bị cắt giảm. Đặc biệt, số lượng cán bộ lãnh đạo mỏng so với khối lượng công việc nhưng chưa có cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, dẫn đến áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo khối chính quyền.

Ông Hoàng Tùng nhận xét cơ chế, thẩm quyền, nguồn lực triển khai và tổ chức bộ máy, chế độ chính sách của TP.Thủ Đức chỉ tương đương cấp quận - huyện dù khối lượng công việc rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu rõ sau khi thành lập, TP.Thủ Đức chỉ có 2 cơ chế mới là có HĐND và Phòng Khoa học - Công nghệ chứ chưa có gì khác cấp huyện. Đây là vướng mắc lớn nhất cho sự phát triển của Thủ Đức. Nếu TP.Thủ Đức được bố trí thêm cán bộ thì hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra khi tăng biên chế.

UBND TP.Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM, Bộ Nội vụ cho phép số biên chế công chức, viên chức được sử dụng đến năm 2026 theo hướng giữ nguyên số lượng công chức, viên chức tham mưu tại thời điểm sáp nhập 3 quận, giảm dần số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn.

Đồng thời, Thủ Đức kiến nghị xem xét tăng biên chế công chức bình quân làm việc theo Nghị định 33 từ 15 người lên 17 người, bổ sung 2 công chức tham mưu cho UBND các phường. Ngoài ra, cho phép ký hợp đồng một số vị trí để đáp ứng nhu cầu công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực địa chính. Điều chỉnh quy định về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phù hợp với quy mô dân số.

Bài 2: Mong muốn một cơ chế riêng phù hợp thực tế

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem