TP.HCM: Hơn 100 chợ đóng cửa, tiểu thương tìm cách tồn tại qua mùa dịch

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 05/07/2021 16:02 PM (GMT+7)
Tiểu thương chợ truyền thống đang tìm đủ cách từ đăng bán hàng trên Facebook, Zalo đến bán qua điện thoại để tồn tại qua mùa dịch.
Bình luận 0

Không chỉ siêu thị, tiểu thương các chợ tại TP.HCM cũng đang tăng cường bán hàng qua điện thoại, bán hàng online, đưa sạp lên ứng dụng, giao tận nhà người mua. Trong lúc dịch Covid-19 phức tạp, sức mua giảm hẳn, họ tận dụng mọi cách để tồn tại.

Alo, hàng giao tận nhà

Tại một số chợ truyền thống còn đang hoạt động, ban quản lý đã linh hoạt nghĩ ra dịch vụ đi chợ hộ, đặt hàng qua điện thoại tương tự cách mà các siêu thị đang áp dụng hiện nay. Các thành viên ban quản lý chợ sẽ đứng ra làm đầu mối gom đơn, đi đến từng tiểu thương mua hàng theo nhu cầu rồi vận chuyển đến tận nhà cho người mua.

TP.HCM: Hơn 100 chợ đóng cửa, tiểu thương nghĩ đủ cách tồn tại qua mùa dịch - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ truyền thống đang tìm đủ mọi cách bán hàng trong mùa dịch. Ảnh: Hồng Phúc.

Cách thức này đang được áp dụng tại chợ Xã Tây (quận 5). Theo đại diện ban quản lý chợ, dịch vụ hiện khá hút người dân, họ liên hệ đặt hàng qua điện thoại, mua rau củ, thịt cá. Ban quản lý chợ sẽ đi mua giúp và giao tận nhà, đảm bảo hàng về sớm nhất có thể.

"Nhằm đảm bảo an toàn cho thương nhân và khách hàng đi chợ cũng như thực hiện tốt Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, ban quản lý chợ Phùng Hưng vận động toàn bộ thương nhân và khách hàng mua bán các loại hàng hoá thực phẩm bằng hình thức online", đại diện ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5) cho biết.

Để thuận tiện cho việc mua sắm, số điện thoại từng sạp, ban quản lý chợ, đến đội ngũ xe ôm làm nhiệm vụ "shipper" được thông tin chi tiết trên fanpage của chợ Phùng Hưng. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp từng sạp để đặt hàng, đơn được đội ngũ xe ôm giao tận nhà. Kể từ khi triển khai, hiện chợ có hơn trăm tiểu thương đăng ký tham gia và đơn hàng online bán ra đều đặn mỗi ngày.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), trong thời gian tạm ngưng hoạt động, các thương nhân cũng được khuyến khích kết nối online, kết nối qua điện thoại với bạn hàng để mua bán, giúp hàng hóa lưu thông liên tục. Hiện nhiều thương nhân cũng áp dụng cách này trong thời gian chờ chợ đầu mối mở cửa trở lại, theo kế hoạch là ngày 15/7.

Không chỉ lên Facebook, Zalo, bán hàng qua điện thoại, hiện nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng đã có mặt trên các ứng dụng gọi xe thông qua dịch vụ đi chợ hộ như GrabMart, để bán hàng trong mùa dịch. 

Bán hàng qua Facebook, Zalo

Kể từ khi TP.HCM dẹp chợ tự phát để phòng dịch, chị Thủy, một người bán cá và các loại thủy hải sản trên đường Trịnh Hoài Đức (quận Bình Thạnh) mất việc. Ban đầu, chị cũng "thập thò"… bán chạy cơ quan năng chức năng nhưng thấy không ổn vì dịch phức tạp nên quyết định nghỉ hẳn. Nhưng sau đó, chị tập tành rao bán trên Facebook cá nhân và các nhóm dân cư quận Bình Thạnh. 

Cá lóc, tôm, mực kèm giá bán cụ thể được ghi rõ. Bên dưới nhiều người đặt hàng, chồng chị đi giao tận nơi.

TP.HCM: Hơn 100 chợ đóng cửa, tiểu thương nghĩ đủ cách tồn tại qua mùa dịch - Ảnh 3.

Chợ Phùng Hưng (quận 5) thông tin về việc áp dụng việc mua hàng qua điện thoại tại chợ. Ảnh chụp màn hình.

"Giờ chỉ còn cách này, tuy bán không chạy so với ngồi tại chỗ nhưng khách quen cũng mua ủng hộ. Nhiều người trên các nhóm cư dân, họ ngại ra ngoài, đặt luôn trên mạng, từ 2-3 kg là tôi miễn phí giao hàng", chị Thủy nói. 

Trên một số diễn đàn, nhiều người cũng họp chợ online, hàng hóa đủ loại, nhiều nhất vẫn là rau củ quả, thịt heo, thịt bò, tôm cá các loại. Ghi nhận cho thấy các chợ online này mua bán tấp nập không khác gì chợ truyền thống hay các khu chợ tạm. Mua - bán chốt nhanh, hàng giao tận nhà.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, nhiều chợ truyền thống tại TP đã tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca mắc Covid-19 hoặc không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. 

Tính đến chiều 2/7, TP.HCM có tổng cộng 104/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Nhiều khả năng con số này chưa dừng lại, bởi từ ngày 3/7 đến nay, một số chợ khác tại nhiều quận huyện cũng thông báo tạm đóng. Ở kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cũng có khoảng 60 điểm bán đã tạm ngưng hoạt động.

Do đó, trong thời gian này, Sở Công Thương TP.HCM khuyến khích các tiểu thương và người dân tăng cường mua bán gián tiếp qua nền tảng mạng xã hội, qua điện thoại để hạn chế tiếp xúc. Sở cũng đã có công văn khẩn thúc đẩy các chợ truyền thống đã tạm đóng triển khai các biện pháp an toàn để hoạt động trở lại sớm nhất, đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm, hàng thiết yếu hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem