TP.HCM: Quận 1 "quyết" đưa hàng rong lên mạng bán

Hữu Ký Thứ tư, ngày 12/04/2017 17:37 PM (GMT+7)
UBND quận 1 đang hoàn thiện website Ẩm thực Quận 1 để quy tụ, tập trung người bán hàng hóa trên vỉa hè, lòng đường chuyển sang buôn bán, kinh doanh qua mạng. Dự kiến cuối tháng này việc buôn bán hàng sẽ chính thức được triển khai.
Bình luận 0

Liên quan đến việc vận động người dân buôn bán qua website Ẩm thực Quận 1, Chánh Văn phòng UBND quận 1 Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, fanpage Ẩm thực Quận 1 đang được thử nghiệm và hoạt động rất ổn định. Quận đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản hồi của người dân trong đó có nhiều người  ủng hộ, đồng thời cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn. Trên cơ sở các phản hồi đó, quận đang ghi nhận và có những điều chỉnh phù hợp.

img

Nhiều người buôn bán trên vỉa hè tại quận 1 cho biết gặp nhiều khó khăn khi quận ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè, trong khi việc buôn bán qua mạng còn quá mới mẻ

Ông Hoàng Anh thừa nhận có nhiều người dân cho rằng không có phương tiện tiếp cận internet, không có điều kiện đi giao hàng, đây là một thực tế còn hạn chế của người bán hàng rong ở thành phố. Tuy nhiên, theo ông cần phải thay đổi phương thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm để phù hợp với sự vận động, thay đổi của xã hội.

Do việc buôn bán hàng trên mạng còn khá mới mẻ nên quận đang nỗ lực vận động, hỗ trợ người dân tham gia. Mới đây UBND quận 1 và đơn vị quản lý trang Foody vừa thống nhất các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân thuận tiện buôn bán hàng trên website Ẩm thực Quận 1. Theo đó, Foody sẽ phối hợp với đoàn viên thanh niên quận 1 tổ chức tập huấn cho người dân các kỹ năng chụp ảnh, đưa hàng lên mạng, cách đẩy view, share...

Riêng Foody ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật còn hỗ trợ người dân giao hàng. Việc giao hàng không giới hạn về số lượng trong khi phí giao hàng chỉ 2.000 đồng/lượt. Với cách làm này người lao động nghèo ở nhà cũng có thể tham gia đội ngũ giao hàng để kiếm thêm thu nhập.

Đại diện UBND quận 1 cho biết hiện đang thử nghiệm với 4 trường hợp buôn bán qua mạng (một hộ bán bánh canh, hai hộ bán cà phê và một hộ bán phá lấu). Đến ngày 26.4, khi  ra mắt khu buôn bán ẩm thực theo giờ tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp, quận sẽ đưa 54 trường hợp lên website để buôn bán sản phẩm, đây là những người dân đang buôn bán trên vỉa hè, lề đường cư trú tại quận 1. Sau đó, quận 1 sẽ thực hiện hỗ trợ tiếp 224 trường hợp có mã số hộ nghèo đang kinh doanh, buôn bán trên vỉa của quận. Riêng với những trường hợp người buôn bán vỉa hè quận 1 nhưng cư trú ở quận khác, UBND quận 1 cũng xem xét để có hướng hỗ trợ kịp thời.

Hiện UBND quận 1 đang kêu gọi đoàn viên thanh niên quận, các phường hỗ trợ người dân để cuối tháng 4 triển khai rộng rãi việc buôn bán qua mạng. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè quận 1 vẫn chưa nắm được thông tin.

Bà Sáu Rết (82 tuổi, buôn bán tạp hóa trên vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé) cho biết bà chưa nghe đến việc buôn bán qua mạng. Từ hồi quận đồng loạt dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, bà chỉ bán cầm cự qua ngày chứ không nghĩ đến việc kinh doanh khác bởi bà đã tuổi cao sức yếu, mắt kém… Trong khi đó việc buôn bán tạp hóa chỉ mua bán trực tiếp tại chỗ chứ không dám chắc có người đặt mua qua mạng.

Còn bà Lê Thu Vân (buôn bán trên vỉa hè tại phường Cầu Ông Lãnh) cho hay việc buôn bán qua mạng không hề đơn giản, bởi khó khăn trong việc dùng Facebook, giao hàng, giới thiệu sản phẩm…

Theo bà, việc buôn bán trên mạng cũng phải có chỗ sạch sẽ, đẹp mắt tại nhà, có sản phẩm độc đáo để thu hút khách, khi khách ghé trực tiếp thấy ngon, hấp dẫn thì mới bán được. Nhưng để làm được điều đó cần có mặt bằng, có điều kiện, trong khi những người buôn bán trên vỉa hè, lề đường đa phần là hộ nghèo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem