TP.HCM “quản” chặt cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Trần Cửu Long Thứ hai, ngày 26/06/2023 16:00 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư. Theo đó, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất.
Bình luận 0

Kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở thường xuyên có phản ánh, khiếu kiện, khiếu nại về môi trường trên địa bàn quản lý, các địa phương tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra và các hồ sơ có liên quan; rà soát, phát hiện, xác định, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đề xuất các biện pháp xử lý, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

“Quản” chặt cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải kiểm tra tại một cơ sở sản xuất ở huyện Bình Chánh. Ảnh: T.Đ

Đồng thời, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giám sát, theo dõi tiến độ, tình hình chấp hành của các cơ sở; hậu kiểm việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định. 

UBND thành phố yêu cầu các địa phương chú trọng đến công tác kiểm tra và giám sát các cơ sở đã hoàn thành các biện pháp cải tạo, nâng cấp và khắc phục ô nhiễm môi trường, tránh để xảy ra trường hợp tái phạm.

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ môi trường đến người dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt và môi trường xanh, sạch. 

Thành phố yêu cầu các địa phương phối hợp các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong việc thay đổi công nghệ xử lý ô nhiễm, khuyến khích thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; hỗ trợ tìm địa điểm và các chính sách hỗ trợ khi thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, dự thảo văn bản trình UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. 

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền, đặc biệt đối với các nguồn thải lớn, các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường kéo dài…

Bình Chánh xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Trước đó, từ năm 2021, thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Bình Chánh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra liên hành tiến hành kiểm tra đối với 297 cơ sở hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn huyện. Qua đó, đã di dời 26 trường hợp và đề xuất xử lý 75/120 trường hợp vi phạm.

Công an huyện cũng đã tiến hành kiểm tra đối với 138 cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Qua đó, đã xử phạt 129 trường hợp với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND xã, thị trấn đã chủ động với các ban, ngành, đoàn thể xã kiểm tra và xử lý 254 trường hợp vi phạm về lĩnh vực trường môi trường.

Theo UBND xã Vĩnh Lộc B (Huyện Bình Chánh), từ khi triển khai Chỉ thị 06 đến nay đã vận động di dời 50 cơ sở sản xuất trên địa bàn. Quan điểm của xã là cơ sở sản xuất di dời từ ấp này sang ấp kia trong xã mà chỉ thay đổi hình thức mà là thay đổi cả bản chất là phải bảo vệ môi trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem