TP.HCM: Siêu thị nói gì sau một tuần đi chợ hộ?

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 29/08/2021 10:17 AM (GMT+7)
Siêu thị cho biết, đơn hàng đi chợ hộ tăng vọt, trong khi nhân viên quá ít, nên không đáp ứng xuể. Do đó, siêu thị đề xuất được tạo điều kiện tăng thêm nhân sự và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương.
Bình luận 0

Nhu cầu đi chợ hộ tại TP.HCM tăng cao. Những ngày qua, nhân viên các hệ thống siêu thị Co.opmart, Satra, Big C, Aeon… trên địa bàn TP đều hối hả làm việc.

Nhân viên được đi làm quá ít

Theo tính toán của Sở Công Thương TP.HCM, TP có gần 2,2 triệu hộ dân. Một tuần qua, trong thời gian TP siết giãn cách với tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", các siêu thị và cửa hàng thực phẩm lớn đóng vai trò gần như chủ chốt trong việc phân phối hàng hóa đến tay người dân, thông qua lực lượng đi chợ hộ.

Với hệ thống phân phối gần 400 địa điểm tại TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết mỗi điểm bán của doanh nghiệp có thể phục vụ 10.000 hộ, với 40.000 dân, trung bình 2.200 tấn hàng hóa mỗi ngày.

TP.HCM: Siêu thị nói gì sau một tuần đi chợ hộ? - Ảnh 1.

Siêu thị cho biết đơn hàng đi chợ hộ tăng vọt trong khi nhân viên quá ít nên không đáp ứng xuể. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo đại diện hệ thống bán lẻ Satra, gần một tuần qua, toàn hệ thống Satramart và Satrafoods đã giao hơn 30.000 đơn hàng đến các tổ đi chợ hộ trên toàn TP.HCM. Riêng ngày 27/8, có gần 17.000 đơn hàng được giao, chiếm hơn một nửa tổng đơn hàng đã thực hiện.

"Từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 11, nhân viên của hệ thống làm việc '3 tại chỗ'. Do số nhân lực ít ỏi nên mỗi nhân viên không chỉ phụ trách riêng công việc thường ngày, mà còn lại hỗ trợ nhiều nhóm khác, làm gấp đôi, thậm chí gấp ba lượng công việc hàng ngày để có thể cung ứng kịp thời lượng hàng hóa thiết yếu và phối hợp cùng chính quyền đưa hàng tới người dân" - đại diện Satra cho biết.

Ghi nhận tại Satramart siêu thị Sài Gòn vài ngày qua cũng cho thấy, các nhân viên đều hối hả làm việc từ 7h sáng đến trước 18h. Đầu ngày, các nhân viên thu ngân còn phụ trách thêm sơ chế rau củ quả, nhân viên giao hàng, tạp vụ cũng hỗ trợ gom đơn theo combo cho khách.

Theo các hệ thống bán lẻ, điểm khó nhất hiện nay là siêu thị vẫn vận hành, nhu cầu thực phẩm của người dân rất cao nhưng số lượng nhân viên được phép hoạt động theo quy định không đủ đáp ứng nhu cầu.

Phó Tổng Giám đốc Vincommerce - bà Nguyễn Thị Phương - cho biết: Với số lượng hàng nghìn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng 30% nhân viên được cấp giấy đi đường hiện quá nhỏ để đáp ứng. Đó là chưa kể tình trạng xe tải chở hàng của Vinmart, Vinmart+ không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận tại TP.HCM.

Đề xuất được tăng nhân sự

Bà Đoàn Kim Hương - Trưởng phòng vận hành Aeon Việt Nam - cho biết: Với cách triển khai đi chợ hộ hiện nay, để tránh tình trạng tồn hàng và bảo đảm sản phẩm luôn được tươi mỗi ngày, thì đơn hàng được đại diện các khu vực tổng hợp, gửi đến siêu thị trước từ 1-2 ngày.

Từ đó, phía siêu thị mới có thể đặt hàng tươi sống với nhà cung cấp, các combo bánh mì cũng được chuẩn bị vào buổi sáng giao hàng.

TP.HCM: Siêu thị nói gì sau một tuần đi chợ hộ? - Ảnh 3.

Aeon đề xuất được tạo điều kiện tăng thêm nhân sự. Và đặc biệt, là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương. Ảnh: K.L.

Bà dự báo số lượng đơn hàng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, do người dân có nhu cầu mua thêm các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là đồ tươi sống. Tuy nhiên, vấn đề lớn đang gặp phải là cần nguồn lực lớn về nhân sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương" - bà Hương kiến nghị.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cũng xác nhận: Nhân lực tại các siêu thị trên địa bàn đang bị thu hẹp do không được cấp giấy đi đường. Điều này khiến việc thực hiện các đơn hàng theo nhu cầu đi chợ của người dân gặp khó khăn, nhiều nơi không đáp ứng kịp nhu cầu.

Ông cũng nói rõ, việc cung ứng hàng hoá theo phương án đi chợ hộ là hình thức mới, dẫn đến một số đơn vị chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc thực hiện. Để giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân, Sở đã phân công các đầu mối của Sở về các địa bàn quận, huyện hỗ trợ. 

Đồng thời, Sở cũng đang tính đến các phương án khác nhằm đảo bảo hàng hóa, thực phẩm đến tay người dân thuận lợi hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem