TP.HCM: Thiếu cả vaccine và thuốc giải độc

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 17/09/2022 16:00 PM (GMT+7)
Từ tháng 5 đến nay, TP.HCM không còn nhận được vaccine sởi liều đơn theo chương trình tiêm chủng mở rộng từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến 31/8, TP.HCM đã cạn kiệt loại vaccine này.
Bình luận 0
TP.HCM: Thiếu cả vaccine và thuốc giải độc - Ảnh 1.

TP.HCM thiếu cả vaccine tiêm chủng mở rộng. Ảnh: B.D

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND TP và Bộ Y tế về tình hình cung ứng vaccine sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Đây là 2 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) cho trẻ em.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 5/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã không nhận được 2 vaccine trên từ Viện Pasteur TP.HCM.

Ngày 12/8, Viện Pasteur TP.HCM đã phân bổ 6.000 liều vaccine DPT hạn dùng đến ngày 5/9 cho HCDC. Số vaccine này cũng đã sử dụng hết.

Ngày 31/8, Viện Pasteur TP.HCM thông báo kho vaccine của Viện đã hết các loại vaccine sởi và DPT.

Vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vaccine đơn giá MVVAC, do Việt Nam sản xuất. Trẻ được tiêm 2 liều, khi 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Theo bác sĩ chuyên khoa nhiễm Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hết vaccine sởi đơn, trẻ 9 tháng tuổi sẽ không được tiêm ngừa đúng thời điểm mà phải tiêm vaccine dịch vụ khi 12 tháng tuổi. Vaccine dịch vụ thường là mũi kết hợp sởi – quai bị - rubella có giá dao động từ 200.000 – hơn 400.000 đồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ, vì thế nguy cơ bệnh sởi quay trở lại là hiện hữu.

Không chỉ thiếu vaccine, các bệnh viện cũng đang rất khan hiếm thuốc giải độc, đặc biệt huyết thanh kháng nọc rắn.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại bệnh viện vẫn không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia. Tháng 8 vừa rồi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải sử dụng 5 lọ huyết thanh kháng độc rắn hổ đa giá cuối cùng để cứu sống bệnh nhi 13 tuổi bị rắn cạp nia cắn.

Là đơn vị chống độc hàng đầu tại phía Nam nhưng bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết hiện bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ hơn một năm nay. Ngoài ra, một số loại huyết thanh kháng nọc rắn khác cũng không có như: rắn chàm quạp, rắn hổ chúa.

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại huyết thanh kháng nọc rắn chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được hàng, khó khăn về nguồn cung ứng do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Việc thiếu thuốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Ngày 15/8 vừa qua, một người đàn ông ở Bình Phước đã tử vong sau 3 ngày bị rắn hổ mèo cắn.

Hồi tháng 5, một bé gái 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ. Dù cấp cứu ngay, nhưng bệnh viện địa phương không có huyết thanh kháng độc. Liên hệ vào TP.HCM, các bệnh viện lớn cũng không còn thuốc giải. Bé gái tử vong sau đó.

Tháng 4/2021, bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị rắn cổ đỏ cắn. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM liên hệ khắp nơi nhưng không có huyết thanh kháng độc loại này. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi chảy máu toàn thân, suy hô hấp và tử vong.

TP.HCM: Thiếu cả vaccine và thuốc giải độc - Ảnh 3.

Cấp cứu bệnh nhi bị rắn độc cắn tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Hiện nay, các bệnh viện không chỉ cạn huyết thanh kháng độc rắn cạp nia mà loại đa giá cũng khan hiếm. Lý do doanh nghiệp không mặn mà vì đặt hàng ít, lợi nhuận thấp, dễ phải tiêu hủy. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đã liên hệ Hội chữ thập đỏ Thái Lan để đặt mua thêm.

Các bác sĩ cho biết, mặc dù huyết thanh kháng độc rắn là biện pháp tối ưu nhưng không phải duy nhất. Bệnh nhân có thể được điều trợ hỗ trợ, thở máy, lọc máu, thay huyết tương… Tuy nhiên, thời gian điều trị sẽ kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng nhiều, tốn kém tiền bạc, nguy cơ tử vong nếu đến bệnh viện muộn. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào thể trạng, lượng chất độc, vị trí rắn cắn…

Không chỉ riêng nhiều loại thuốc giải độc, tình trạng thiếu các loại thuốc BHYT khác cũng đã xảy ra ở nhiều bệnh viện của TP.HCM: Bệnh viện TP.Thủ Đức (nhiều loại thuốc BHYT), Bệnh viện Ung bướu (thuốc phóng xạ chụp PET-CT)…

Khi được đặt câu hỏi về thực trạng thiếu thuốc giải độc hiện nay, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua việc theo dõi báo cáo thiếu thuốc của các đơn vị gửi về Sở Y tế vào hàng tuần, hiện nay Sở Y tế ghi nhận báo cáo từ Bệnh viện Nhân dân 115 về việc thiếu thuốc Pralidoxim 500mg (sử dụng trong điều trị ngộ độc hóa chất hoặc thuốc trừ sâu phosphat hữu cơ) do công ty trúng thầu gián đoạn cung ứng vì số đăng ký hết hạn, chưa gia hạn được số đăng ký. Hiện nay, Bệnh viện nhân dân 115 cũng đã tìm được nhà cung ứng khác (với số lượng đang có sẵn là 36.000 ống, hạn sử dụng đến tháng 4/2024) và sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu điều trị.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem