Trái phiếu doanh nghiệp sẽ “gãy” đà tăng nóng?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020 với nhiều quy định mới.
Cụ thể, về giao dịch trái phiếu, theo quy định mới trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành và chấp thuận theo quy định tại Điều 14 Nghị định 81. Cùng với đó, phải thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có)
Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, số lần phát hành trái phiếu cũng sẽ bị siết lại sau khi Nghị định mới có hiệu lực. Cụ thể, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Tại báo cáo nghiên cứu về Tác động của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, nhóm tác giả cho biết, từ cuối năm 2018 khi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (NĐ 163) ra đời, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những bước phát triển nhảy vọt.
Vốn hóa thị trường năm 2018 mới 9,01% GDP thì đến cuối năm 2019 đã là 10,85% GDP, tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng.
Khối lượng TPDN phát hành trong năm 2019 đạt trên 332.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 50% tổng khối lượng TPDN trên thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến 130 doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu, huy động tổng cộng 156.327 tỷ đồng thông qua 818 đợt phát hành (tăng khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019).
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6 năm 2020.
Theo các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mặc dù đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng với mức tăng trưởng như vậy cho thấy dấu hiệu của sự phát triển "nóng".
Ngoài các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp (là những nhà đầu tư có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro khi đầu tư trái phiếu), sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân (bao gồm cả những nhà đầu tư không có năng lực phân tích, đánh giá mà chỉ quan tâm đến lãi suất) sẽ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tính ổn định của thị trường.
Không những vậy, trên thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã xuất hiện những méo mó khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
"Rõ ràng là thị trường TPDN cũng đang tiềm ẩn rủi ro", báo cáo nhận định. Do đó, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 10/7/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 (2018) đối với trường hợp phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn nhằm lành mạnh hóa, kiểm soát rủi ro thị trường.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, nhìn chung, NĐ 81 điều chỉnh các điều kiện phát hành TPDN theo hướng chặt chẽ hơn. Việc phát hành TPDN sẽ phải thực hiện tốt yêu cầu về minh bạch thông tin. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch phát hành về cả về quy mô và thời gian. Chi phí phát hành cũng có thể gia tăng do đòi hỏi từ thuê tư vấn phát hành….
Đồng thời, quy mô phát hành trong thời gian tới có thể sẽ không tăng nhanh như đã diễn ra trong năm 2019. Song bước điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo thị trường TPDN hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh hơn.
Đây cũng là bước đệm quan trọng để hướng đến mục tiêu từng bước tách bạch giữa 2 hoạt động phát hành ra công chúng và hoạt động phát hành riêng lẻ chỉ hướng đến đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Riêng đối với các TCTD, những quy định trong NĐ 81 không ảnh hưởng nhiều, ngoại trừ việc thực hiện công bố rõ ràng mục tiêu phát hành (tương tự như các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác).
Nhiều khả năng trong dài hạn, ngay cả khi Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021, hoạt động phát hành của các TCTD và các công ty đại chúng sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay.