Thấy gì từ động thái “ồ ạt” phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Nhận định trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam quý I/2020, Công ty Chứng khoán SSI cho biết thị trường TPDN vẫn khá sôi động trong quý vừa qua. Mức chênh lệch lãi suất giữa TPDN và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường.
Phát hành trái phiếu khi lợi nhuận âm
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2020 của Công ty cổ phần chứng khoán IB, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty phát hành riêng lẻ 2.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị tương đương 200 tỷ đồng nhằm huy động vốn để đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ, tăng quy mô vốn cho các hoạt động khác. Lãi suất được công bố lên tới 9,5%/năm.
Tương tự, quý I vừa qua Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt lỗ hơn 88,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng lưu ý, ở phần vay và nợ ngắn hạn tại ngân hàng giảm thì mức phát hành trái phiếu lại tăng lên 933,6 tỷ đồng. Cụ thể, cuối tháng 3, doanh nghiệp này thông báo tổng giá trị trái phiếu phát hành trong thời gian dự kiến tháng 2 và tháng 7 năm nay là 800 tỷ đồng. Lãi suất thực tế 9%/năm và 9,5%/năm.
Trong quý I/2020, Tập đoàn Masan báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Cùng với đó, vay nợ của doanh nghiệp tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, từ khoảng 30.000 tỷ đồng lên 39.300 tỷ đồng.
Trong quý, ghi nhận đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của doanh nghiệp này. Theo đó, ngày 9/3/2020 Masan phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng và huy động được gần 1.148 tỷ đồng từ nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước, trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 9,3%/năm, các năm sau bằng lãi suất tham chiếu cộng 2,5%/năm).
Ngoài ra, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, viễn thông, giải trí, bất động sản đang chào bán trái phiếu với lãi suất cao, dao động từ 15-19,5%/năm, mệnh giá trái phiếu từ 5 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn linh động 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, gửi càng lâu lãi càng cao.
Báo cáo mới đây của SSI cũng cho biết thị trường TPDN khá sôi động trong quý I dù còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường trong quý I/2020 và tăng 9,8%; nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3%).
Có dấu hiệu bất thường?
Đáng chú ý là việc lãi suất phát hành tăng lên ở hầu hết các nhóm. Cụ thể, trong kỳ, lãi suất phát hành bình quân là 10,4%/năm, cao hơn lãi suất phát hành bình quân quý IV/2019 là 1,08 điểm % và cao hơn lãi suất phát hành trung bình cả năm 2019 tới 1,57 điểm%.
Theo thông tin hoạt động của ngành ngân hàng, tính đến cuối tháng 4, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Như vậy, so sánh giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất TPDN chênh lệch lên đến 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất phát hành trái phiếu tăng cao so với quý IV/2019 cũng như bình quân lãi suất phát hành của năm 2019 trong khi đó lãi suất tại các ngân hàng lại đang có xu hướng giảm như thời gian vừa qua cho thấy dấu hiệu bất thường của thị trường TPDN.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi thời gian qua do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế "ngưng trệ" song thị trường trái phiếu vẫn sôi động cho thấy doanh nghiệp "không làm" những vẫn đang cần huy động vốn?
"Không loại trử khả năng, các doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn nhưng lại không đủ khả năng, không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng nên dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu với lãi suất cao hơn để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Điều này có thể gây ra rủi ro cho doanh nghiệp, cho chính các nhà đầu tư", một chuyên gia nhấn mạnh.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua thời kỳ dịch bệnh của các doanh nghiệp. Các cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa các thông tin thị trường.