Điều kiện mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có gì đáng chú ý?
11 điều kiện
Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.
Theo đó để phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng 11 điều kiện sau:
Một là, doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Hai là, có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi, thời gian hoạt động được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị chia (trong trường hợp chia doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách (trong trường hợp tách doanh nghiệp), thời gian hoạt động dài nhất trong số các doanh nghiệp bị hợp nhất (trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp nhận sáp nhập (trong trường hợp sáp nhập công ty), thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi chuyển đổi (trong trường hợp chuyển đổi công ty).
Ba là, có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
Bốn là, ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Năm là, đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định.
Sáu là, có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
Bảy là, thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có).
Tám là, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Chín là, đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mười là, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Mười một, tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu không phải đáp ứng quy định thứ chín và thứ mười nêu trên.
Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng từ điều kiện thứ hai đến điều kiện thứ mười một nêu trên.
Như vậy, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành nhằm tiếp tục vận hành và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng 50% so với cùng kỳ
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp – tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi: So với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.
Nếu loại trừ số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tại thời điểm ngày 31-3-2020, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Sacombank – ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau Vietinbank.
"Hiện tại, chưa có 1 đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân. Sự gia tăng mạnh lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây có thể là bước tăng tốc trước khi dự thảo sửa đổi Nghị định 163 theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp đi vào hiện thực"", SSI nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo tới các doanh nghiệp và người dân xung quanh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trong thời gian qua, đặc biệt nguy cơ người dân không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Cảnh báo của Bộ Tài chính dẫn dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian quan cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỉ đồng, nâng tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 5 tháng đầu năm 2020 lên con số 91.616 tỉ đồng và đạt mức tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý trong số này có hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp trong các tháng đầu năm.
Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu trước khi đầu tư.
"Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn" - Bộ Tài chính khuyến cáo.