Tranh cãi gay gắt các trường đại học dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y: "Tuyển sinh kỳ lạ?"

Tào Nga Thứ ba, ngày 23/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Một số trường đại học đã dấy lên tranh cãi khi mới đây cho biết sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y khoa, trong đó một tổ hợp chứa môn Ngữ văn.
Bình luận 0

4 trường dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y

Theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, một số trường đã sử dụng tổ hợp chứa môn Văn để xét tuyển vào ngành Y khoa. Đây là ngành học vốn dĩ vẫn quen thuộc với 3 môn Toán, Hóa, Sinh.

Cụ thể, trường Đại học Văn Lang, TP.HCM tuyển sinh ngành Y khoa bằng các phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp, dựa vào học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Với cách xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ, trường sử dụng 4 tổ hợp, trong đó có tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh); A00 (Toán, Lý, Hóa); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D08 (Toán, Sinh, Anh).

Tranh cãi gay gắt các trường đại học dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y: "Tuyển sinh kỳ lạ?" - Ảnh 1.

Sinh viên Y khoa của Trường Đại học Văn lang. Ảnh: Website trường

Trường Đại học Võ Trường Toản, Hậu Giang và Tân Tạo, Long An, cùng sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (Toán, Lý, Sinh).

Trường Đại học Duy Tân xét tuyển ngành Y khoa bằng 4 tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn); B00 (Toán, Hoá, Sinh); D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ).

Như vậy, trong 27 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa của cả nước, chỉ 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển và điều này đã dấy lên tranh cãi mạnh mẽ.

Tuyển sinh ngành Y đang "khát" thí sinh?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy giáo Sinh học ở Hà Nội Đinh Đức Hiền cho hay: "Tuyển sinh bất chấp ở ngành Y một số trường hiện đang có nhiều vấn đề. Việc tăng cường các tổ hợp, thêm môn Văn vào xét tuyển cho thấy tình trạng "khát" thí sinh và dường như việc này chỉ để lấp đầy con số chỉ tiêu, chứ không phải vấn đề tuyển được thí sinh phù hợp. 

Về mặt quy định, các trường được tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, tự quyết định tổ hợp phương thức xét tuyển. Việc 1 ngành được tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp khác nhau vốn phổ biến, nhưng ở những ngành đặc thù như khối ngành Y thì điều đó không hợp lý. 

Môn học nào cũng cần thiết trong cuộc sống, nhưng mỗi ngành nghề khác nhau đều cần năng lực đặc thù, kiến thức lõi. Ở ngành Y, 2 môn Hóa học, Sinh học là quan trọng bậc nhất, gần nhất. Định hướng nghề nghiệp khối Y học cũng được xây dựng, hình thành từ quá trình học tập 2 môn này ở bậc phổ thông. 

Ngành y vô cùng đặc thù, thời gian đào tạo kéo dài nhất, tốn kém nhất, làm việc vất vả, không chỉ cần người giỏi mà cần phải phù hợp. Ngành Y không thể đào tạo đại trà như nhiều ngành nghề khác. Việc tuyển sinh ồ ạt bằng nhiều tổ hợp như hiện nay chỉ đáp ứng được nhu cầu chỉ tiêu của nhà trường nhưng ngành Y sau đó sẽ phải đối diện với chất lượng nhân lực, lãng phí nguồn lực, học sinh sẽ phải đối diện với nguy cơ không phù hợp, bỏ dở học tập, mất phương hướng, ảnh hưởng đến chính tương lai bản thân".

Tranh cãi gay gắt các trường đại học dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y: "Tuyển sinh kỳ lạ?" - Ảnh 2.

Học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh học, từng giảng dạy tại một trường chuyên nổi tiếng ở tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, phương án tuyển sinh các trường đại học sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y khoa, trong đó một tổ hợp chứa môn Ngữ văn có nhiều điều chưa hợp lý.

"Hiện tại trên cả nước có 27 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa. Việc đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe một cách tràn lan, liên tục mở rộng các cơ sở, trường đào tạo và ồ ạt các phương án tuyển sinh "độc, lạ" sẽ để lại nhiều hệ quả khôn lường.

Bác sĩ là một ngành đặc thù đòi hỏi phải có tính logic cao, chuyên môn sâu, tính tập trung cao độ, tính kiên nhẫn và cả những giây phút đưa ra quyết định nhanh, dứt khoát và chính xác. Chính vì vậy việc thi tổ hợp khối B00 truyền thống (Toán, Hóa học, Sinh học) là phù hợp. Nếu có sự điều chỉnh phương án tuyển sinh thì các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (đảm bảo khâu ra đề phải được chuẩn hóa) thì sẽ phân loại được chính xác đầu vào và có triển vọng chất lượng đầu ra. Vì thế việc đưa môn Ngữ văn vào là không phù hợp.

Sẽ có ý kiến phản biện rằng ngành chăm sóc sức khỏe liên quan đến "tư vấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng, quản lý sức khỏe gia đình" sẽ cần môn Ngữ văn thì thực sự đó chỉ là điều kiện cần. Điều quan trọng nhất, trước tiên phải là đạt chuẩn của một bác sĩ. Vì thế những chuyên ngành về tâm lý học này cần thêm một tiêu chí phụ là môn Ngữ văn (thông qua tính hệ số với trọng số thấp). Hoặc là sau khi vào trường Y rồi để vào chuyên ngành hẹp đó thì sẽ có các bài kiểm tra năng lực, vấn đáp, viết luận,... để phân loại được chính xác hơn.

Các bác sĩ, nhân viên y tế có khả năng giao tiếp, thuyết trình, hùng biện và tương tác tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng nhưng dùng Ngữ văn để làm phương thức xét tuyển thì là điều không nên. Và chúng ta cần chờ đợi các chuyên gia, đặc biệt là các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tham bàn về vấn đề này".

Tiến sĩ Y Sinh học Phạm Đức Hùng, hiện đang làm việc ở Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ nêu quan điểm: "Về nguyên tắc, không có môn học nào là vô ích. Tuy nhiên, việc tuyển chọn sinh viên đại học phải dựa trên việc đánh giá tiềm năng các bạn có thể hoàn thành khoá học một cách tốt đẹp và ra trường trở thành 1 người giỏi chuyên môn. 

Điểm số các môn học từ các kỳ thi là một tiêu chí chúng ta hay sử dụng và nó cần hợp lý giữa môn học được chọn và ngành học ở đại học. Chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của các trường đại học lớn tại Việt Nam gồm các môn học cơ bản và nâng cao như Sinh học, Hoá học, Dược lý, Sinh Lý, Giải phẫu, Miễn dịch, Nội, Ngoại, Sản, Nhi... Dù là thế nào cũng thấy chương trình dựa trên phần lớn (phải hơn 90%) là kiến thức từ Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hoá học và Vật Lý) đặc biệt là môn Sinh học. 

Thật khó để tưởng tượng một tổ hợp tuyển sinh ngành Y Đa khoa lại không có môn Sinh học. Điều này cũng giống như bạn tuyển sinh giáo viên dạy tiếng Anh mà tổ hợp không có môn Anh văn. Ngoài ra, kiến thức Hoá học đặc biệt là Hoá hữu cơ cũng rất cần thiết để hiểu các quá trình Sinh học phân tử và tế bào cũng như môn Dược lý học. 

Theo cá nhân tôi, tuyển sinh Y đa khoa cần chú trọng 2 môn này. Môn thứ 3 theo tôi có thể là Toán hoặc Vật Lý hoặc Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, dùng môn thứ 3 là môn Văn hay Ngoại ngữ là kỳ lạ. Đơn giản vì hai môn này là những môn chính của khối xã hội chứ không phải tự nhiên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem