Tranh chấp liên doanh du lịch Sài Gòn - Cần Thơ: Bị đơn thua kiện, nhà nước "thiệt" 188 tỷ đồng

Quang Phương Thứ tư, ngày 25/11/2020 15:20 PM (GMT+7)
Góp vốn đầu tư thành lập công ty liên doanh, nhưng sau thời gian hợp tác xảy ra tranh chấp. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV bị kiện ra tòa. Sau 2 lần xét xử, bị đơn cho rằng phán quyết của tòa gây thiệt hại cho nhà nước hơn 188 tỷ đồng.
Bình luận 0

Hồ sơ vụ việc thể hiện: Năm 1994, Công ty Du lịch Cần Thơ (nay là Công ty CP Du lịch Cần Thơ) và Công ty Du lịch TP.HCM (nay là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV, tạm gọi: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn) đã ký hợp đồng liên doanh nâng cấp cải tạo khách sạn Việt Hồng Cần Thơ.

Hai bên thành lập công ty liên doanh, lấy tên: Công ty liên doanh Sài Gòn - Cần Thơ Tourist (năm 2005 đổi thành Công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn - Cần Thơ). 

Vụ kiện tại liên doanh du lịch Sài Gòn - Cần Thơ: Bị đơn thua kiện, vốn nhà nước "hụt mất" 188 tỷ đồng - Ảnh 1.

Khách sạn Sài Gòn Cần Thơ đang xảy ra tranh chấp - Ảnh: CTV.

Nguồn vốn pháp định tương đương 10 tỷ đồng (Tổng công ty Du lịch Sài Gòn góp 5 tỷ đồng (50% vốn pháp định) bằng tiền mặt hoặc thiết bị; Công ty Du lịch Cần Thơ góp quyền sử dụng diện tích đất 565m2 và tòa nhà 1 triệt 5 lầu nằm trên lô đất trên, được đánh giá 5 tỷ đồng.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, nhưng do phát sinh mẫu thuẫn giữa các bên góp vốn, nên từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, Công ty CP Du lịch Cần thơ đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) TP.Cần Thơ. 

Nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên xử điều lệ Công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn - Cần Thơ vô hiệu; buộc bị đơn là Công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn - Cần Thơ phải trả tiền thuê đất gốc và lãi cho nguyên đơn là hơn 6,4 tỷ đồng; hủy hợp đồng liên doanh nâng cấp khách sạn đã ký năm 1994.

Ngày 1/10/2019, TAND TP.Cần Thơ đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ kiện tranh chấp thành viên công ty. 

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về "yêu cầu tuyên bố Điều lệ Công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn - Cần Thơ vô hiệu"; Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty CP Du lịch Cần thơ: Buộc Công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn Cần Thơ trả cho Công ty CP Du lịch Cần Thơ tiền thuê đất là hơn 5,7 tỷ đồng; Hủy hợp đồng liên doanh nâng cấp khách sạn đã ký năm 1994; Tiến hành chia tài sản của công ty TNHH Du lịch thương mại Sài Gòn - Cần Thơ: Công ty CP Du lịch Cần Thơ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn mỗi bên nhận được 50% giá trị vốn góp còn lại (khoảng hơn 741 triệu đồng/đơn vị)…

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM. 

Ngày 14/7/2020, TAND Cấp cao TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm vụ án nói trên và tuyên: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vụ kiện tại liên doanh du lịch Sài Gòn - Cần Thơ: Bị đơn thua kiện, vốn nhà nước "hụt mất" 188 tỷ đồng - Ảnh 2.

Khách sạn Sài Gòn Cần Thơ đang xảy ra tranh chấp - Ảnh: CTV.

Đáng nói, trong bản án sơ thẩm của TAND TP. Cần Thơ ngày 1/10/2019 có nhiều điểm bất thường. Bản án đã liệt kê rất rõ từng mục tài sản, giá trị của từng danh mục tài sản. 

Trong đó, riêng công trình xây dựng trên đất được xác định giá trị là  hơn 376,5 tỷ đồng. Nhưng bản án ghi nhận tổng giá trị tài sản phải thi hành án… chỉ có  hơn 1,4 tỷ đồng (?).

Chính vì điều này nên khi  thi hành án, Công ty Du lịch Cần Thơ chỉ phải thanh toán lại cho Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn số tiền hơn 741,5 triệu đồng và Công ty CP Du lịch Cần Thơ được nhận toàn bộ công trình khách sạn Sài Gòn - Cần Thơ.

Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn, cho biết: "Tổng giá trị tài sản ghi trong bản án sơ thẩm là hơn 376 tỷ đồng. Nhưng tòa tuyên xử chúng tôi chỉ nhận được hơn 741 triệu đồng là không hợp lý, gây thiệt hại cho chúng tôi hơn 188,3 tỷ đồng".

Sau khi nghiên cứu các bản án và tài liệu liên quan, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng văn phòng luật sư Xuân Phú, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Tòa án 2 cấp đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thụ lý đúng thẩm quyền.

 "Việc giải quyết nội dung vụ án trong 2 bản án chưa thuyết phục được phía bị đơn là do vấn đề định giá tài sản và việc không giải quyết các tài sản khác liên quan đến việc thực hiện hợp đồng liên doanh. Tài liệu thẩm định giá có trong hồ sơ vụ án và được công khai chứng cứ theo phiên họp được tòa án triệu tập trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Do đó, nếu có khiếu nại với kết quả thẩm định giá tài sản thì bị đơn cần thực hiện ngay khi tiếp cận với tài liệu này", luật sư Điền nói.

Luật sư Điền phân tích thêm: Đối với việc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng việc giải quyết vụ án chưa xem xét giải quyết hết các tài sản hình thành từ liên doanh, đây là một thắc mắc có cơ sở. 

Vướng mắc hiện nay là tòa án thường chỉ giải quyết vụ án trong phạm vi khởi kiện, phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự. Trong một số trường hợp việc giải quyết các nội dung khác có liên quan trực tiếp đến tranh chấp, buộc phải giải quyết hậu quả pháp lý kéo theo thì tòa án mới chủ động giải quyết.

"Trong vụ án trên, những tài sản được hình thành từ liên doanh nếu chưa được giải quyết tranh chấp bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền, thì hai bên trong liên doanh trước đây có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc khởi kiện vụ án mới để đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Điền ý kiến.

Hiện, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi: Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân nhân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội…

Sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm sau tuyên án phúc thẩm?

Ngày 14/7/2020 TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ việc trên. Đến ngày 13/10/2020, thẩm phán Lê Thị Minh Trang, TAND TP.Cần Thơ (chủ tọa phiên sơ thẩm) đã ra đã ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm.

Trong bản án sơ thẩm ghi: Công trình xây dựng trên đất có giá trị là 376.599.408.000 đồng. Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án đã sửa: Công trình xây dựng trên đất có giá trị: 376.599.408 đồng? (có đến 11 mục trang thiết bị, vật dụng bị sửa đổi giá trị tiền mặt). Như vậy quyết định trên đã làm giảm giá trị tài sản phải thi hành án đến hàng trăm tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề sửa chữa, bổ sung bản án nói trên, luật sư Trương Hồng Điền nói: đó là việc làm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, xâm phạm đến quyền lợi của các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến bản án. Theo quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 38 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ tiến hành sửa chữa bản án khi phát hiện thấy sai sót về lỗi chính tả hoặc tính toán cộng trừ nhân chia sai về số liệu.

"Do đó, người bị thi hành án hoặc người được thi hành án nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm thì có thể đề nghị TAND TP.Cần Thơ giải thích lý do thay đổi số liệu về giá trị tài sản tranh chấp. Trường hợp TAND TP.Cần Thơ tự thay đổi thì Quyết định sửa đổi, bổ sung bản án không có giá trị pháp luật, cần hủy bỏ để tránh gây thiệt hại cho bên được thi hành án hoặc bên bị thi hành án tùy theo giá trị tài sản được thi hành án lớn hay nhỏ sau khi bị điều chỉnh", luật sư Điền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem