Trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại thông minh: Sai lầm lớn nhất trong quá trình dạy con?

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 11/03/2021 18:25 PM (GMT+7)
Điện thoại thông minh (Smartphone) là xu hướng của xã hội, sớm hay muộn gì trẻ cũng sẽ dùng nhưng lứa tuổi nào nên dùng, dùng như thế nào và những cảnh báo nguy hiểm về sức khỏe cũng như tâm sinh lý thì các bậc cha mẹ cần biết...
Bình luận 0

Ai cũng có điện thoại cả rồi…

Chị Phượng (ngụ quận 12) cho biết, chị đang băn khoăn về việc có nên cho con sử dụng điện thoại hay không. Con gái chị năm nay 12 tuổi, đang là học sinh lớp 6. Bé ngỏ lời muốn có một chiếc điện thoại và lập các tài khoản như facebook, zalo, email… để trò chuyện và trao đổi học tập với bạn bè. 

Để thuyết phục mẹ, con gái chị nói rằng "Bạn con ai cũng có điện thoại hết rồi, các hoạt động trong lớp đều được thông báo trên nhóm. Các bạn cũng hẹn nhau học online, học tiếng Anh, trao đổi bài vở trên nhóm… vừa vui, vừa hiệu quả… Con không có điện thoại nên bị lạc hậu, chẳng biết gì…".

Trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại: tước đi cơ hội được học điều hay lẽ phải - Ảnh 1.

Sử dụng điện thoại thường xuyên sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm sinh lý của trẻ nhỏ

Thấy lý do con đưa ra cũng hợp lý vì nếu phục vụ cho chuyện học hành thì chị luôn ủng hộ. Tuy nhiên, sợ lứa tuổi này còn quá nhỏ để sử dụng điện thoại, chị đã tham khảo bạn bè và những người đã cho con dùng điện thoại riêng. Kết quả khiến chị càng thêm băn khoăn.

Không thể phủ nhận được những lợi ích khi con sử dụng điện thoại, ví dụ như có thể liên lạc mọi lúc mọi nơi. Những lúc bận việc đột xuất chưa thể đón hoặc gặp tình huống khẩn cấp… phụ huynh có thể chủ động liên lạc với con. 

Ngoài ra, trong độ tuổi này, một chiếc điện thoại thông minh cũng giúp các con tìm hiểu tin tức, học thêm tiếng Anh, mày mò, sáng tạo… Hơn nữa, nó giúp các con dễ dàng kết nối với bạn bè, trao đổi chuyện học tập cũng như chia sẻ vui buồn mà ở lứa tuổi của con đang gặp phải…

Thế nhưng, những lợi ích trên không thể bù lại được sự "thiệt hại" cả về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Việc sử dụng điện thoại thường xuyên khiến sức khoẻ bị giảm sút với hàng loạt nguy cơ nghiêm trọng có thể kể đến như nguy cơ mắc ung thư não; Thị lực kém, mắc các bệnh về mắt; Chậm phát triển, kém thông minh, hạn chế khả năng giao tiếp; Lệch cổ, thoái hóa đốt sống cổ; Tăng khả năng mắc bệnh tâm thần; Giảm sút khả năng học tập; Mất ngủ, béo phì; Giảm trí nhớ, khó tập trung….

Mệt mỏi hơn, rất nhiều phụ huynh đã cho con sử dụng điện thoại cảm thấy bất lực khi trẻ bị nghiện điện thoại, nghiện chơi game, bỏ bê học hành, yêu đương sớm, xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, gây hiềm khích dẫn đến mâu thuẫn trên mạng, chống đối cha mẹ… dẫn đến không ít các sự việc tai hại đã diễn ra xung quanh việc trẻ sử dụng điện thoại.  

 Chị Phạm Hằng (Bình Dương) chia sẻ, con gái chị vốn học giỏi nhất lớp và luôn tự giác trong chuyện học hành. Vì tin tưởng và chiều theo nguyện vọng, chị đã cho con sử dụng điện thoại riêng. "Đây có thể nói là quyết định "sai lầm" nhất trong quá trình dạy con của tôi. Từ khi có điện thoại, con bé thay đổi như trở thành một người khác. Lầm lì, ít nói, suốt ngày suốt đêm ôm lấy điện thoại chát chít. Việc học hành vì thế mà tuột dốc không phanh. Tôi nhiều lần nhỏ to khuyên bảo, nhẹ nhàng có, hăm doạ có, nhưng không hiệu quả. Tịch thu điện thoại thì con chống đối, đòi tự tử, đòi bỏ đi…" – chị bất lực thở dài.

Giải pháp nào cho trẻ  sử dụng điện thoại riêng

Chia sẻ với những phụ huynh đang lo lắng vấn đề này, TS. Phạm Thị Thuý – Chuyên viên tham vấn tâm lý, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho rằng,  việc sử dụng điện thoại thông minh là xu hướng của xã hội hiện đại nên không thể cấm con sử dụng. Chỉ là độ tuổi nào thì phụ huynh cho con dùng, và dùng điện thoại như thế cho hợp lý.

Trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại: tước đi cơ hội được học điều hay lẽ phải - Ảnh 3.

TS. Phạm Thị Thuý – Chuyên viên tham vấn tâm lý, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM

Đối với trẻ vị thành niên, các con dễ dàng bị nghiện vì chưa có khả năng kiểm soát, chưa làm chủ được hành vi của mình. Trẻ sẽ dễ bị chìm đắm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống hiện tại. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến việc học tập, trẻ ít giao tiếp, trò chuyện với gia đình, nếu gia đình can thiệp và ngắt trẻ ra khỏi các thiết bị thì sẽ có những hành vi chống đối…. đặc biệt, ở lứa tuổi này, trẻ dễ bị đầu độc và học theo những việc không hay trên mạng xã hội.

Theo bà Thuý, trẻ từ lớp 9 trở xuống, phụ huynh thật sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho con sử dụng điện thoại. Nếu đồng ý cho trẻ sử dụng, ngay từ đầu phụ huynh phải đưa ra các "thoả thuận" mang tính chất "bắt buộc". Trong đó, ngoài việc dùng cho học tập và liên lạc, phụ huynh cần đặt ra thời gian con được phép sử dụng để giải trí. Theo các nhà khoa học, thời gian thông thường là không quá 2h/ngày. Ngoài ra, kỹ hơn thì phụ huynh cũng nên đặt ra số lần được sử dụng trong ngày.

Đối với nội dung xem, phụ huynh cần hướng dẫn cho con kỹ càng những nội dung được phép xem và những nội dung nghiêm cấm. Nếu được, phụ huynh hãy cài đặt các phần mềm lọc chương trình không phù hợp cho trẻ em ra khỏi thiết bị công nghệ của trẻ. Đây là cách giúp chúng ta ngăn cản các nội dung không lành mạnh và kiểm soát được các chương trình con xem. Đồng thời, cha mẹ cũng cần đồng hành, quan tâm con đang xem nội dung gì, xem nhân vật nào… để phát hiện ra những nguy hại có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ.

Ngoài ra, gia đình cần tập cho trẻ thói quen quản lý bản thân, khả năng giao tiếp xã hội, tự lập trong cuộc sống, khơi gợi những mục tiêu trong học tập, mục tiêu trong tương lai để phấn đấu. Khi một đứa trẻ có đạo đức, có kỹ năng sống, có đam mê, có ước mơ và mục tiêu thì việc giao điện thoại cho trẻ sẽ tiếp thêm phương tiện để con tiếp cận các kênh phù hợp cho việc học tập và phát triển bản thân.

Phụ huynh cần có giải pháp ngay từ đầu, không nên để sự việc xảy ra mới giải quyết. Chữa phần ngọn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với phần gốc rễ. Nếu giao điện thoại cho con sử dụng trong khi chưa thật sự tin tưởng, chưa trang bị đầy đủ kiến thức cũng như những yêu cầu ràng buộc với con thì chính chúng ta đang tước đi toàn bộ cơ hội để con được học điều hay lẽ phải từ mạng xã hội. Thay vào đó, chúng ta tạo điều kiện cho con sa đoạ, nghiện game, xem các nội dung sai lệch và có nhiều hành động sai trái.

TS. Phạm Thị Thuý


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem