Triển vọng cây trồng công nghệ sinh học

Thứ hai, ngày 30/07/2012 13:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để dư luận và bà con nông dân có thêm thông tin một cách đầy đủ về cây trồng công nghệ sinh học, Báo NTNN đăng loạt bài về vấn đề này.
Bình luận 0

LTS: Cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) là một thành tựu nổi bật của thế kỷ XX đã được nhiều nước trên thế giới phát triển, ứng dụng và sử dụng trong thực tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau về tính an toàn của việc ứng dụng loại cây trồng này.

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp lớn trong khu vực cũng đang tiến hành khảo nghiệm trên ngô biến đổi gen với kết quả ban đầu tương đối khả quan. Để dư luận và bà con nông dân có thêm thông tin một cách đầy đủ về cây trồng CNSH, Báo NTNN đăng loạt bài về vấn đề này.

Bài 1: 16 triệu nông dân thế giới tham gia

Theo thống kê, hiện trên thế giới đã có đến 29 nước trồng và 60 nước sử dụng các sản phẩm từ cây trồng CNSH. Đến năm 2011, diện tích cây trồng CNSH đã tăng tới mức kỷ lục, đạt 160 triệu ha, gấp 94 lần so với 15 năm trước đó.

img
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng (trái) thăm một ruộng ngô trồng giống CNSH.

Sự phát triển vũ bão

Cây trồng CNSH là loại cây trồng được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của CNSH hiện đại hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ ADN tái tổ hợp. Với việc sử dụng các kỹ thuật mới này, con người có thể chủ động tạo ra các tính trạng mong muốn ở một cây trồng, đồng thời rút ngắn thời gian chọn tạo giống so với các phương pháp tạo giống truyền thống như lai tạo và gây đột biến.

TS Clive James – nhà sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng CNSH trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết: “Sau 15 năm ứng dụng, diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn thế giới đã tăng gấp 94 lần, từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 148 triệu ha vào năm 2010 và 160 triệu ha vào năm 2011. Có thể thấy, cây trồng CNSH đã trở thành công nghệ cây trồng được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử”.

Bằng chứng thuyết phục nhất đối với cây trồng CNSH, đó là trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2011, đã có 29 quốc gia trên toàn thế giới trồng và tính tổng diện tích lũy kế đối với cây trồng CNSH trong 15 năm qua đã đạt tới con số kỷ lục là 1,25 tỷ ha. Trong số 29 nước canh tác cây trồng CNSH năm 2011, có 19 nước đang phát triển và 10 nước công nghiệp.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050 nhu cầu về lương thực của toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể do dân số của thế giới vào thời điểm đó sẽ đạt khoảng 9 tỷ người, cùng với đó là nhu cầu cải thiện dinh dưỡng và đặc biệt ở các nước đang phát triển. Do đó, cây trông CNSH sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết lương thực cho loài người.

Năm 2011, cũng đã xác lập mức kỷ lục với 16,7 triệu nông dân trồng cây CNSH, tăng 1,3 triệu người (tương đương với 8%) so với năm 2010. Trong số trên, có tới trên 90% (tương đương 15 triệu người) là thuộc các hộ nông dân nhỏ, nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển. Như ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã có 7 triệu hộ nông dân nhỏ mỗi nước quyết định trồng 14,5 triệu ha bông Bt.

Theo đánh giá của ISAAA, diện tích trồng cây CNSH ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây CNSH trên toàn cầu trong năm 2011 và dự kiến sẽ vượt diện tích trồng của các nước công nghiệp trong năm nay với tốc độ tăng nhanh gấp đôi và lớn gấp hai lần so với mức tăng và diện tích trồng ở các nước công nghiệp (các nước đang phát triển tăng 11% hay 8,2 triệu ha, so với 5% hoặc 3,8 triệu ha ở các nước công nghiệp).

Phát triển trên khắp các châu lục

Hiện nay, có 5 nước đang phát triển đứng đầu về diện tích trồng cây CNSH là Ấn Độ và Trung Quốc, Brazil, Argentina và Nam Phi. Trong đó, Brazil, có diện tích cây trồng CNSH tăng liên tiếp với mức tăng kỷ lục 4,9 triệu ha năm 2011, tức tăng 20% so với năm 2010.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục là nước có diện tích trồng cây CNSH lớn nhất trên toàn cầu đạt 69 triệu ha/năm với tỷ lệ áp dụng trung bình xấp xỉ 90% trên tất cả các loại cây trồng CNSH, nhất là diện tích trồng cỏ linh lăng tăng lên đến 200.000ha, củ cải đường đạt 475.000ha. Đặc biệt, đu đủ kháng virus từ Mỹ đã được cho phép cho tiêu dùng như một loại trái cây tươi (thực phẩm) ở Nhật Bản, có hiệu lực từ tháng 12.2011.

Ấn Độ đã tổ chức kỷ niệm 10 năm canh tác bông kháng sâu Bt với diện tích trồng lần đầu tiên vượt 10 triệu ha (đạt 10,6 triệu ha), chiếm 88% tổng diện tích trồng bông của nước này (12,1 triệu ha). Ấn Độ tăng thu nhập từ bông Bt ở quy mô trang trại khoảng 9,4 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2010 và chỉ riêng năm 2010 đã là 2,5 tỷ USD.

Năm 2011, cũng đã xác lập mức kỷ lục với 16,7 triệu nông dân trồng cây CNSH, tăng 1,3 triệu người (tương đương với 8%) so với năm 2010. Trong số trên, có tới trên 90% (tương đương 15 triệu người) là thuộc các hộ nông dân nhỏ, nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển.

Ở Trung Quốc, 7 triệu nông dân có diện tích canh tác nhỏ lẻ (diện tích canh tác trung bình 0,5ha) đã trồng tới 3,9 triệu ha bông Bt, với tỷ lệ bông Bt/tổng diện tích trồng bông ở mức kỷ lục 71,5%. Mexico cũng trồng 161.500ha bông CNSH với tỷ lệ áp dụng 87%. Châu Phi tiếp tục đạt được những bước tiến với nhiều quốc gia đã trồng cây CNSH như Nam Phi, Burkina Faso và Ai Cập với diện tích trồng kỷ lục 2,5 triệu ha, 3 nước là Kenya, Nigeria, và Uganda đã tiến hành thử nghiệm thực địa.

Ngay tại các nước trong khối châu Âu (EU), cũng đã có 6 nước trồng cây CNSH với diện tích 114.49ha ngô CNSH, tăng 26% so với năm 2010. Ngoài ra, còn có thêm 2 nước trồng khoai tây CNSH "Amflora".

Chìa khóa cho an ninh lương thực thế giới

Từ năm 1996 đến 2010, cây trồng CNSH đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng sản lượng cây trồng đạt giá trị tới 78,4 tỷ USD; đồng thời tạo ra một môi trường tốt hơn, bằng cách tiết kiệm 443 triệu kg thuốc trừ sâu. Riêng năm 2010 đã giảm lượng khí thải CO2 được 19 tỷ kg (xấp xỉ 9 triệu xe ô tô trên đường); nhất là bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 91 triệu ha đất; và giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp đỡ 15 triệu nông dân nhỏ, những người nghèo nhất trên thế giới.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định, cây trồng CNSH là rất cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất và việc tuân thủ các tập quán thực hành nông nghiệp tốt như luân canh và quản lý mới là điều cần thiết cho cây trồng CNSH, cũng giống như đối với cây trồng thông thường. ISAAA cũng chỉ ra rằng, các nước cần có hệ thống quản lý thích hợp, dựa trên cơ sở khoa học và tiết kiệm chi phí, thời gian một cách có trách nhiệm, chặt chẽ nhưng không gây phiền hà cho các nước đang phát triển và cho EU.

Về triển vọng của cây trồng CNSH, theo đánh giá riêng trong năm 2011 giá trị hạt giống CNSH toàn cầu đạt khoảng 13 tỷ USD. Còn các sản phẩm ngũ cốc thương mại của cây trồng CNSH đạt tới 160 tỷ USD/năm. Do đó, ISAAA dự báo, trong mục tiêu thiên niên kỷ tới năm 2015, sẽ có 10 quốc gia trồng cây CNSH. Trong đó, lần đầu tiên ngô kháng hạn tạo ra từ CNSH sẽ được đưa ra ở Bắc Mỹ vào năm 2013 và ở châu Phi vào năm 2017; lúa vàng tại Philippines vào năm 2013-2014; ngô CNSH ở Trung Quốc với tiềm năng khoảng 30 triệu ha và sau đó là lúa Bt.

ISAAA cũng cho rằng, cây trồng CNSH có tiềm năng đóng góp đáng kể cho mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, góp phần giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo bằng cách tối ưu hóa năng suất cây trồng. Điều này có thể đạt được thông qua xúc tiến quan hệ đối tác khu vực công- tư, chẳng hạn như ngô chịu hạn cho châu Phi được hỗ trợ bởi các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem