Trồng bán loại cây khô khốc mà nông dân ở đây thu gần 250 tỷ/năm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn diện tích cây thạch đen hàng năm được trồng trên địa bàn tỉnh được khoảng 2.000 ha, tập trung tại 3 huyện: Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng với sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm. Giá bán thạch đen khô hằng năm dao động từ 20.000 – 36.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế cho người dân khoảng 179 – 250 tỷ đồng/năm.
Việc Nghị định thư về xuất khẩu cây thạch đen sang Trung Quốc gồm 12 điều được ký kết đã mở ra những thuận lợi mới về thị trường đầu ra sản phẩm. Để triển khai thực hiện nghị định thư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng thạch đen theo quy trình kỹ thuật về sản xuất an toàn thực phẩm, tăng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tăng cường tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của nước nhập khẩu (Trung Quốc) để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất năm 2021 và các năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất thạch đen; tăng cường xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các vùng trồng; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng đúng mã số…
Kiểm tra và làm việc tại Lạng Sơn ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị: Tỉnh Lạng Sơn cần tập huấn cho bà con nhân dân để xác định rõ từ vùng trồng đến cách thức chăm sóc, thu hoạch, chế biến theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ chủ trì, phối hợp với tỉnh để tập huấn các nội dung trong Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen; cấp mã số vùng trồng; hướng dẫn công bố cũng như bảo hộ giống thạch đen; hỗ trợ tỉnh hoàn thiện quy trình sản xuất; phối hợp với tỉnh tổ chức hội nghị đầu tư và thương mại để thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm thạch đen.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm tổ chức hội nghị tập huấn các nội dung liên quan đến Nghị định thư cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất thạch đen; giới thiệu các doanh nghiệp có đủ năng lực để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân; hỗ trợ để tỉnh tiếp cận với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất; cấp mã số vùng trồng.
Đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan đưa giải pháp để tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng; mở rộng diện tích; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc cấp mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói; thực hiện đúng quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, thông tin bắt buộc trên bao bì… đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định của phía Trung Quốc.