Trồng cây dược liệu là mô hình giúp nông dân Kỳ Sơn ở Nghệ An giảm nghèo, vươn lên khá giả

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ ba, ngày 09/05/2023 12:40 PM (GMT+7)
Từ khi có đơn vị thu mua, cây dược liệu đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho sự phát triển của các loại cây dược liệu, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.
Bình luận 0

Cây dược liệu "mỏ vàng" tại xã khó khăn

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi có độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Nơi đây được ví như Đà Lạt thu nhỏ, "cổng trời" của tỉnh Nghệ An. Xã Mường Lống có khí hậu quanh năm mát mẻ, sương mù bao phủ, thổ nhưỡng cũng rất phù hợp cho sự phát triển của các loại cây dược liệu. 

Những loại cây dược liệu phổ biến tại đây như: tam thất bắc, nấm linh chi, hà thủ ô đỏ, nhân trần, cúc hoa, thạch đen, sâm bảy lá một hoa, lam thạch hộc, giảo cổ lam, lạc tiên… Cây dược liệu mọc trong những cánh rừng rộng lớn tại xã Mường Lống được ví như một "mỏ vàng" trong tự nhiên, nếu được bảo vệ, khai thác, phát huy đúng cách.

Tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An quanh năm sương mù bao phủ, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng rất phù hợp để các loài cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Tại Công ty dược liệu Mường Lống, những vườn đảng sâm, lạc tiên, hà thủ ô, sâm 7 lá 1 hoa... phát triển rất tốt. Thực hiện: Thắng Tình

Từ bao đời nay, người dân cũng đã khai thác các loài cây dược liệu để về sử dụng. Bên cạnh đó, một số loại dược liệu được vận chuyển ra trung tâm huyện là thị trấn Mường Xén để bán. Tuy nhiên do địa hình cách trở, quá trình vận chuyển khó khăn nên nguồn thu bấp bênh không ổn định. Bên cạnh đó việc khai thác quá mức khiến một số loài cây dược liệu bị cạn kiệt.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời", quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 2.

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi quanh năm sương giăng, khí hậu mát mẻ được ví như Đà Lạt thu nhỏ tại Nghệ An. Khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây được đánh giá là "miền đất hứa" để các loài cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Ảnh: Thắng Tình

Những năm trở lại đây, khi Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống đi vào hoạt động, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu quý tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Công ty cũng thu mua các loại cây dược liệu của người dân. Đồng thời, các cán bộ kỹ thuật của công ty cũng đã hỗ trợ, tập huấn cho người dân cách thu hoạch, bảo vệ, trồng thêm các loại cây dược liệu trong những cánh rừng để tạo nguồn thu ổn định hàng năm.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời", quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 3.

Tại các cánh rừng, nương rẫy của người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có nhiều loài cây dược liệu tự nhiên như: hà thủ ô, giảo cổ lam, nấm linh chi, lạc tiên... Ảnh: Thắng Tình

Hiện tại, vùng sản xuất cây dược liệu tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng đã có tổng diện tích hơn 136 ha. Những kết quả đánh giá ban đầu cho thấy, các loài cây dược liệu chủ chủ lực như: sâm puxailaileng, sâm bảy lá một hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ... sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thành phần cũng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, tạo thành vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho quá trình chế biến các phẩm cung ứng ra thị trường.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời", quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 4.

Đảng sâm, một trong số các loài cây dược liệu đang được trồng tại Công ty dược liệu Mường Lống, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Bên cạnh đó, công ty cũng thu mua một lượng lớn cây dược liệu của người dân để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, từ đó giúp bà con có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời cũng hình thành những vùng trồng cây dược liệu bán tự nhiên trên diện tích rừng ở xã Mường Lống. Phát triển cây dược liệu không chỉ giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đi lên mà còn gắn với việc bảo vệ rừng.

Để cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân

Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương là xã có hơn 90% người dân là người Mông, với hơn 52% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào việc khai thác một số loại lâm sản phụ trong rừng và chăn nuôi. 

Diện tích đất sản xuất ít, nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. Đặc biệt, đối với những bản vùng sâu. Địa phương cũng đang cùng phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con về cách trồng, thu hoạch, bảo vệ các loài cây dược liệu tạo thành vùng nguyên liệu ổn định. Tôi tin rằng, cây dược liệu cũng mở ra một hướng thoát nghèo bền vững cho bà con trên địa bàn khi được bảo vệ, khai thác đúng phương pháp.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời", quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 5.

Lầu Bá Xồng – Tổng giám đốc công ty dược liệu Mường Lống đóng tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bên vườn sâm 7 lá 1 hoa mà công ty đang trồng thử nghiệm. Ảnh: Thắng Tình

Những năm trở lại đây, nguồn thu nhập từ cây dược liệu cũng giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong đó có các loại cây dược liệu chính như: giảo cổ lam, nấm linh chi, lạc tiên… đang được thu mua ổn định. Đây cũng là những loại cây mọc tự nhiên trong các cánh rừng, nương rẫy của bà con nên chỉ cần thu hoạch là có thể bán được.

Hiện tại công ty Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống đang thu mua cây giảo cổ lam với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, nấm linh chi với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, lạc tiên với giá khoảng 8.000 đồng/kg. Đối với các loại cây dược liệu khác tùy theo chất lượng thì có giá khác nhau.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời", quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 6.

Công nhân sơ chế giảo cổ lam, một trong những loài cây dược liệu có rất nhiều trong tự nhiên tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hiện tại công ty đang thu mua của bà con với giá 8.000 đồng/kg. Ảnh: Thắng Tình

Bên cạnh đó, những loại cây dược liệu được bảo vệ tốt nên chất lượng cũng đảm bảo. "Trước đây người dân cứ thấy là thu hoạch, thậm chí thu hoạch theo cách tận diệt. Nhiều loại cây còn non, chưa đủ chất lượng người dân vẫn thu hoạch vì sợ người khác sẽ hái mất. 

Nhưng khi thu hoạch về những loại cây này không bán được vì đạt chất lượng, nên phải bỏ đi vì lãng phí đặc biệt đối với nấm linh chi. Những loại cây dược liệu được bảo vệ tốt, thu hoạch đúng thời điểm thì chất lượng tốt hơn, công ty sẽ thu mua với giá cao", ông Lầu Bá Xồng – Tổng giám đốc công ty dược liệu Mường Lống chia sẻ.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời" quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 7.

Từ khi có đơn vị thu mua ổn định, cây dược liệu đã mang lại một nguồn thu nhập khá cho người dân ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Mỗi mùa thu hoạch, trung bình mỗi hộ dân thu hoạch từ 2 – 3 tấn cây giảo cổ lam, lạc tiên. Đặc biệt có những hộ dân như anh Lầu Bá Nù, Lầu Bá Chò, Vừ Chống Lầu… mỗi năm có thể thu về hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng từ việc bán cây dược liệu.

Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống cũng đã quy hoạch được vùng trồng cây dược liệu với hơn 100 ha. Trong đó nhiều loại cây dược liệu quý đang được trồng tại đây.

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời" quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 8.

Sâm 7 lá 1 hoa đang được trồng tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng các khu vực mà công ty đang trồng các loại cây dược liệu, ông Lầu Bá Xồng chia sẻ: "Tôi cũng là một người dân trên địa bàn, nên hơn ai hết tôi hiểu được cuộc sống của bà con còn rất nhiều vất vả. Nếu bà con có thể trồng, chăm sóc, nhân rộng diện tích cây dược liệu trên địa bàn thì nó sẽ mang lại một nguồn thu ổn định. Cây dược liệu sẽ trở thành sinh kế cho bà con nơi đây, vì không nơi nào đất đai, khí hậu lại phù hợp với các loài cây dược liệu như ở xã Mường Lống. Công ty chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tối đa cho bà con về kỹ thuật, cũng như quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu".

Nghệ An: Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho người dân nơi "cổng trời" quanh năm sương mù bao phủ - Ảnh 9.

Đương Quy một trong số các loài cây dược liệu phát triển rất tốt tại xã Mường Lống. Chính quyền địa phương hy vọng, cây dược liệu sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở hướng thoát nghèo cho bà con nơi đây. Ảnh: Thắng Tình

Tại Công ty dược liệu Mường Lống, những khu vườn trồng loại sâm 7 lá 1 hoa, đương quy, đảng sâm, tam thất bắc, hay những cánh đồng trồng lạc tiên, khu vực cây hà thủ ô cũng phát triển rất tốt. Điều này chứng minh, đây là "vùng đất hứa" để các loại cây dược liệu phát triển. Hy vọng, cây dược liệu, "mỏ vàng" nơi cổng trời sẽ mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem