Trồng lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu

Chúc Ly Thứ hai, ngày 22/02/2016 14:39 PM (GMT+7)
Đưa ra giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL là nội dung của diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 19.2 tại tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0

Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa đông xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL là khoảng 339.234ha, chiếm 35,51% diện tích xuống giống của các vùng ven biển và chiếm 21,88% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

Trong đó diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731ha, chiếm 10,9% diện tích xuống giống của vùng ven biển và 6,7% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

img

 Ông Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trực tiếp hướng dẫn nông dân về mô hình sản xuất lúa áp dụng 3 giảm, 3 tăng.  Ảnh: C.L

Thạc sĩ Hoàng Văn Hồng – Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thông tin: Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ rệt và đe dọa đến đời sống của người dân. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra, nhất là các tỉnh ven biển và vùng ĐBSCL.

Nguyên nhân của việc biến đổi khí hậu một phần là do sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước gây phát thải nhà kính. Một trong những tác động nhằm giảm phát khí thải nhà kính trong trồng lúa là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước và chi phí đầu vào.

 Tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia giới thiệu nhiều mô hình sản xuất lúa tại các tỉnh mang lại hiệu quả cao, giảm lượng hạt giống gieo sạ như: Mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng tại An Giang, Long An; mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) tại Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia giới thiệu nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh, khoa học tại các tỉnh mang lại hiệu quả cao, giảm lượng hạt giống gieo sạ như: Mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng tại An Giang, Long An; mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) tại Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: Với sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, khuyến nông, sự nỗ lực, cố gắng của bà con nông dân, việc giảm lượng hạt giống gieo sạ tại vùng ĐBSCL sẽ góp phần thiết thực và hiệu quả trong việc tăng cường sử dụng giống đạt phẩm cấp cao, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa vùng ĐBSCL, góp phần tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nước ta.

Thay đổi cơ cấu mùa vụ và giống lúa

Nhiều đại biểu cho rằng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống không phù hợp sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực của xâm nhập mặn tăng cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) đề xuất: Đối với thời vụ, cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu 2016 và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, thời vụ lúa hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho vụ hè thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Đồng thời về cơ cấu giống, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL. Cùng với đó, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng các giống lúa chịu hạn, phèn mặn trung bình khá... để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tại diễn đàn, đại diện Trung tâm Khuyến nông của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cũng tiến hành ký kết giao ước thi đua hưởng ứng chương trình giảm lượng hạt giống gieo sạ do Bộ NNPTNT phát động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem