Trồng mít dưới chân đèo, đếm không xuể, thầy giáo Bình Thuận tập làm nông dân hóa ra lại thành tỷ phú

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 02/05/2022 13:03 PM (GMT+7)
Là một thầy giáo nhưng ông Nguyễn Văn Hữu lại mê làm nông nghiệp sạch nên xin nghỉ hưu trước tuổi, mang giống mít Thái rời quê ở Long An lên chân đèo Đại Ninh (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) lập nghiệp và thu tiền tỷ.
Bình luận 0

Thầy giáo mê nông nghiệp, ham trồng mít Thái

Một ngày trung tuần tháng 4/2022, chúng tôi có dịp trở lại chân đèo Đại Ninh và chứng kiến cảnh thay đổi hàng ngày. 

Dưới chân đèo Đại Ninh (thuộc xã Phan Lâm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là trạm dừng chân Ba Hữu khang trang sạch đẹp. Chủ trạm chính là lão nông Ba Hữu cho biết, khi còn dạy ở huyện Đức Hòa (Long An) ông đã mê làm nông nghiệp sạch nên mãi ôm ấp giấc mơ làm nông nghiệp của mình. 

Đến giữa năm 2007, ông xin nghỉ hưu sớm và mang số tiền tích cóp được, rồi vay mượn thêm bạn bè, đưa giống mít Thái khăn gói lên vùng đất này lập nghiệp.

"Ngày ấy, vùng này đất rộng người thưa, nên bà con ở đây thấy ba cha con tôi ngày nào cũng ra đồng cày cuốc, rồi bỏ tiền vào trồng trọt, ai cũng nói cha con tôi có vấn đề "thần kinh". Nhưng nhờ sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương tôi mới có nhà cửa và ô tô như hôm nay…"- lão nông Ba Hữu nhớ lại.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng trang trại trồng mít và trồng xoài của mình, lão nông Ba Hữu cho biết, hồi ấy ông mang lên đây khoảng 20 cây vàng mua hơn 10ha đất trồng mít và xoài trồng thí nghiệm.
Không ngờ thổ nhưỡng vùng này lại phù hợp nên giống mít Thái phát triển rất tốt. Nhưng để phát triển thì cần phải có điện lưới quốc gia, nên năm 2008, ông vay mượn thêm hơn cả tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện trung thế dài hơn 2km để khởi động hệ thống tưới tiêu.

gop/ Thầy giáo thành tỷ phú nhờ trồng mít nơi chân đèo - Ảnh 1.

Ông Ba Hữu bên vườn cây ươm giống. Ảnh: Bùi Phụ

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bắc Bình, trong các lần chính quyền địa phương đi vận động đóng góp cho người nghèo, hiếu học… ông Ba Hữu sẵn sàng ủng hộ nên bà con trong vùng rất trân trọng, quý mến ông.

Khai sinh thương hiệu "Mít sạch Ba Hữu"

Sau khi có điện, ông Ba Hữu và hai người con trai đã cùng đi vận động bà con trong vùng chuyển sang trồng mít Thái. 

Bằng những kinh nghiệm hiểu biết về nông nghiệp của mình, ông Ba Hữu sẵn sàng tư vấn và chia sẻ cây mít giống cho bà con trồng thí nghiệm. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của ông Ba Hữu, nhiều bà con ở ven Quốc lộ 28B ở xã Phan Lâm, Phan Sơn, đổ về Sông Bình trồng mít. 

Tính đến nay đã có hơn 1.000ha trồng mít. Nhiều hộ trong số này đã lấy nguồn mít giống của ông Ba Hữu tặng cho bà con.

"Vào mùa mít chín, tôi đem lên bãi đất được cha con tôi san bằng phẳng bên eo núi trong phần đất nhà nằm ven Quốc lộ 28B làm nơi trưng bày những trái mít của vườn nhà. Ban đầu chỉ là xe gắn máy ghé mua và nhờ người bán nhiệt tình, người mua khen ngon nên tiếng thơm "Mít sạch Ba Hữu" vang dần, ông Ba Hữu kể lại.

Theo ông Ba Hữu, nhờ khách qua đường truyền miệng, ngày càng có nhiều xe đò, xe khách, xe du lịch…ghé mua mít. Thấy vậy, gia đình ông mở thêm dịch vụ bán cơm và làm thêm hàng trăm chiếc võng cho bà con qua lại nằm nghỉ lưng. 

Khách qua lại đông vui, khiến chốn hiu quạnh giữa núi rừng này bỗng nhộn nhịp, nhờ đó đã tạo thêm công ăn việc làm, bà con có thêm nguồn thu nhập chính đáng…".

Tuy nhiên, để giải quyết đầu ra cho trái mít của bà con, ông Ba Hữu đã đứng ra thành lập HTX mít sạch Ba Hữu và được các cơ quan chức năng huyện Bắc Bình cấp giấy phép.

Ngoài việc tiêu thụ mít tươi cho bà con lão nông Ba Hữu nuôi giấc mộng lớn. Đó là kế hoạch xây dựng cơ sở sấy mít khô và một số nông sản khác của địa phương, khẳng định thương hiệu để nâng thu nhập cho người dân miền núi vùng này. Bên cạnh đó là đề án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng giao thoa giữa núi rừng, sông suối, ven hồ Sông Lũy…

"Việc này cần nguồn vốn lớn và suốt gần cả năm qua tôi đã nhiều lần đi thuê các kỹ sư chuyên ngành viết đề án. Tin rất vui là đầu tháng 4/2022, đề án đã được các cơ quan chức năng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Mấy hôm nay, tôi đã bỏ công đi gặp các nhà đầu tư có nguồn vốn lớn ở TP.HCM, các tỉnh, kêu gọi và đã có nhà đầu tư chấp thuận. Chờ thủ tục pháp lý xong là cha con tôi bắt tay với bà con nông dân vùng này làm chuyện lớn…"- lão nông Ba Hữu khoe.

gop/ Thầy giáo thành tỷ phú nhờ trồng mít nơi chân đèo - Ảnh 3.

Nông dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trồng mít Thái. Ảnh: Bùi Phụ

Trao đổi với PV Báo NTNN, lãnh đạo Hội ND huyện Bắc Bình cho biết, nông dân Ba Hữu có sự đóng nhiều trong việc đưa giống mít về trồng trên vùng đất này. Ông Ba Hữu còn tặng giống mít cho bà con nông dân trong vùng trồng. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân miền núi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và có hiệu quả. Chỉ riêng cây mít Thái, ở xã Phan Lâm đã có hàng chục ha sau khi doanh nghiệp Ba Hữu mở cơ sở chế biến và liên kết với người trồng mít. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem