Trong mọi tình huống không được để xảy ra thiếu điện

24/11/2021 15:49 GMT+7
Tháng 10-11/2021, dịch bệnh đã được từng bước khống chế, Chính phủ có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế. Điều này đặt ra thách thức mới cho ngành điện trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.

Để chủ động đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống bão lũ thiên tai các tháng còn lại của năm 2021, năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp cụ thể đảm bảo cung cấp điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân.

Việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo được Bộ Công Thương xác định với ba nguyên tắc chính: Bộ Công Thương, Tập doàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện.

Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo EVN, các đơn vị điện lực trên cả nước và các đơn vị liên quan bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành.

EVN giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.   

Trong mọi tình huống không được để xảy ra thiếu điện - Ảnh 1.

Trong mọi tình huống không được để xảy ra thiếu điện. Ảnh: EVN

Căn cứ đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, 05 nhóm giải pháp chính đã được Bộ Công Thương và EVN đưa ra cụ thể như sau:

Một là, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân giai đoạn tới, theo dự kiến trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã trình Chính phủ, đến năm 2025 cần phải đưa vào vận hành thêm khoảng hơn 28.000 MW nguồn điện mới (bao gồm cả năng lưới tái tạo và điện nhập khẩu). Bên cạnh đó, các công trình lưới điện cũng sẽ được xây dựng và phát triển đồng bộ với hệ thống nguồn điện nhằm khai thác tối đa, hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống, đặc biệt là các công trình lưới điện 500kV trọng điểm, các công trình giải tỏa công suất nguồn thủy điện Tây Bắc, các công trình phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Hai là, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch sẽ được rà soát, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Đồng thời chỉ đạo EVN nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao.

Ba là, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ được rà soát, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Mục tiêu yêu cầu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải. Trong khi chờ Luật Điện lực sửa đổi quy định về độc quyền truyền tải, cần tăng cường thu hút đầu tư của các chủ đầu tư nhà máy điện vào các công trình đấu nối.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện nhập khẩu điện. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hợp đồng nhập khẩu điện nhằm bổ sung công suất, điện năng cho khu vực phía Bắc. Các công trình lưới điện phục vụ đấu nối, nhập khẩu điện cũng sẽ được bổ sung, xây dựng phù hợp.

Năm là, tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành. Theo đó tập trung vào các giải pháp chính như sau: Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; Vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam và hệ thống truyền tải điện; Bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc; Đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response).

Đối với Việt Nam, từ tháng 7/2021 trở lại đây, giá nhiên liệu đầu vào của EVN thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến tăng tới 16.600 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, thông tin về các mặt hàng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ta đã tăng giá điện lần cuối vào tháng 3/2018. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá điện đã thực hiện giảm 5 lần với tổng số tiền lên đến 16.650 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2021 là năm khó khăn không chỉ với doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở góc độ Bộ Công Thương, "việc tăng giá điện là không có, ít nhất là trong suy nghĩ".

Hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện. Giá bán điện theo quy định của Thủ tướng chỉ được thay đổi trong trường hợp các yếu tố đầu vào có sự thay đổi căn cứ chi phí các khâu phát điện, truyền tải, sản xuất phân phối và quản lý ngành….

Thời gian qua, việc điều chỉnh giá bán điện đã đảm bảo nguồn lực cho ngành điện phát triển và có đầu tư. Năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi các thông số đầu vào theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục