Trồng tre Mạnh Tông mọc những mầm măng mập "ú nu", ông nông dân này khá giả

Thứ hai, ngày 25/10/2021 13:11 PM (GMT+7)
Mô hình trồng tre lấy măng khá phổ biến tại Cà Mau nhưng chủ yếu ở vùng ngọt hóa. Với mong muốn tìm hướng đi mới cho vùng đất mặn, ông Nguyễn Trung Ðức ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đã đến Bến Tre học hỏi kinh nghiệm và trồng thành công cây tre lấy măng trên vùng đất khắc nghiệt của địa phương.
Bình luận 0

Ông Ðức có kinh nghiệm trồng màu nhiều năm tại vùng đất bị nhiễm mặn của huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. 

Có gần 4ha đất nhưng ông Ðức không tiếp tục trồng rau màu, bởi theo ông vùng đất này bị nhiễm mặn quanh năm lại gặp khó khăn về nguồn nước tưới. 

Từ đó, khoảng năm 2010, ông Ðức đến tỉnh Bến Tre học hỏi các mô hình phát triển kinh tế và nhận thấy giống tre Mạnh Tông dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên mua về trồng thử.

Trồng tre Mạnh Tông mọc những mầm măng "ú nu" trên vùng đất mặn, ông nông dân Cà Mau khá giả - Ảnh 1.

Ông Đức, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hệ thống tưới tự động để cây tre Mạnh Tông cho măng đạt chất lượng và cho năng suất cao.

“Thấy bà con ở Bến Tre đắp đất cao trồng tre cho măng rất tốt, tôi đem giống tre này về trồng tại địa phương. Vậy là trao đổi kinh nghiệm xong, tôi mua giống về, đắp đất quanh nhà để làm những bờ cao, sau đó đắp mô lên trồng. 

Nhưng mới đầu do chưa có kinh nghiệm, tôi vun đất trực tiếp vô gốc khiến tre lên măng nhỏ như cây sậy, sau đó vun đất xa ra thì ra măng lớn dần” - ông Ðức chia sẻ.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm cùng với chịu khó tìm hiểu thêm kỹ thuật, ông Ðức dần biết cách giữ ẩm cho gốc tre Mạnh Tông bằng các loại vỏ, lá cây khô. 

Ông cũng biết vun đất cách gốc khoảng 50-60cm để măng tre đạt chất lượng. Ðể tăng năng suất măng tre, vào đầu mùa mưa, ông bón 1 lần phân, đến cuối mùa mưa bón thêm đợt phân nữa để cây măng chống chịu qua mùa hạn mặn. 

Ðặc biệt, vào mùa khô kỷ lục năm 2019-2020, ông đã đầu tư hệ thống máy tưới để giữ chất lượng cây măng tốt nhất.

Ông Ðức cho biết, do trồng trên đất phèn mặn nên giữa mùa mưa là chất lượng măng tốt nhất và cũng chính là thời điểm cây tre Mạnh Tông cho măng năng suất cao nhất. 

Với diện tích trồng tre Mạnh Tông chưa đến 3.000m2 nhưng lại giúp gia đình ông Ðức thu hàng chục triệu đồng mỗi mùa. 

Ngoài ra, mỗi năm ông cũng bán khoảng 300 cây tre Mạnh Tông giống cho bà con địa phương trồng lấy măng với giá 50.000-60.000 đồng/cây.

Với tính cần cù, ham học hỏi, phần diện tích đất gần 4ha của gia đình, ngoài nuôi tôm, trồng tre lấy măng, ông Ðức còn nuôi cá nước ngọt, trên bờ bao trồng thêm thanh long góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Trong đó, mô hình trồng tre Mạnh Tông lấy măng đã mở ra hướng đi mới. 

Ông Phạm Văn Dẻn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Mô hình đa cây, đa con của ông Ðức rất hiệu quả. Ông chịu khó tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi để thực hiện nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ðặc biệt, mô hình trồng tre Mạnh Tông lấy măng của gia đình ông đã tạo sự khác biệt ở địa phương vì chưa ai thực hiện được như vậy. Nhiều người thấy hiểu quả cũng học hỏi trồng nên mở ra một hướng phát triển kinh tế mới. Hiện đầu ra của cây măng tre Mạnh Tông tại địa phương ổn định, giúp bà con có thu nhập khá”.

Hiếu Nghĩa (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem