Trump ép FED giảm lãi suất để đạt lợi thế đàm phán, thỏa thuận Mỹ Trung là vô vọng?

26/07/2019 11:23 GMT+7
Dù cho Nhà Trắng và các quan chức FED đang bất đồng quan điểm sâu sắc, thì hành động cắt giảm lãi suất mà FED gợi ý vẫn mang đến những kết quả mà ông Trump mong muốn.

Cắt giảm lãi suất trở thành vũ khí mới trong thương chiến Mỹ - Trung?

Trump muốn một đồng USD yếu hơn để đối phó với sự hạ giá đồng NDT, tức là Trump cần FED cắt giảm lãi suất

Có một sự “ngược đời” mà đa số các nhà phân tích nhận ra, rằng trong khi kinh tế Mỹ vẫn ổn định và khoảng 75% doanh nghiệp S&P 500 đã công bố báo cáo kinh doanh cho thấy lợi nhuận vượt ngoài kỳ vọng, thì ông Trump vẫn thường xuyên gửi thông điệp yêu cầu FED cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế. Vị Tổng thống Mỹ cáo buộc FED đã làm tổn thương kinh tế Mỹ sau 4 lần tăng lãi suất liên tiếp hồi năm ngoái. Và nhiều khả năng, trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở cuối tháng này, FED thực sự sẽ cắt giảm lãi suất.

Có một thực tế là, ông Trump dường như quan tâm đến cắt giảm lãi suất nhiều hơn cả GDP tăng, tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất mọi thời đại. Lý do thực sự là gì? Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, Trump cần hạ lãi suất như một vũ khí để chống lại Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Rõ ràng vị Tổng thống Mỹ dường như không quan tâm lắm đến chuyện liệu hành động cắt giảm lãi suất lúc này sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế hay mở ra nguy cơ bong bóng tín dụng; liệu FED có thực sự đạt được động lực thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay hay không.

Đã nhiều lần, ông Trump công khai chỉ trích Trung Quốc và EU thao túng, hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trước hàng hóa của Mỹ, cũng như xóa mờ đi các rào cản thuế quan và phi thuế quan thông qua tỷ giá hối đoái. Đó chính xác là những gì Trung Quốc cố gắng làm để giảm thiểu tác động tồi tệ của thuế quan mà Trump đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa nước này. Những dữ liệu về giá nhập khẩu của Mỹ, giá hàng hóa Trung Quốc giảm trong những tháng gần đây đã chứng minh điều đó.

Tất nhiên, phá giá đồng NDT chắc chắn gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bù lại, sự giảm giá hàng hóa để bù đắp vào thuế quan tăng lên sẽ giúp những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc không mất thị phần tại Mỹ, đảm bảo những người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ không tìm đến các sản phẩm thay thế rẻ hơn.

Trong bối cảnh đó, Trump muốn một đồng USD yếu hơn để đối phó với sự hạ giá đồng NDT, buộc Trung Quốc phải gánh chịu mọi hậu quả tồi tệ của thuế quan trừng phạt. Việc FED cắt giảm lãi suất càng sâu càng làm đồng USD suy yếu, đến mức mà Bắc Kinh sẽ không thể phá giá đồng NDT thêm nữa. Qua đó, Trump thành công hạ thấp lợi thế thao túng đồng NDT của Trung Quốc, giành lợi thế trong cuộc chiến tranh thương mại còn đang dai dẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu FED có nên cắt giảm lãi suất trong bối cảnh đó và trở thành công cụ phục vụ Trump trong thương chiến, cho dù mục đích chung của cả hai là bảo vệ nền kinh tế Mỹ? Hồi tháng 6, chính chủ tịch FED Jerome Powell đã cứng rắn khẳng định FED sẽ hoạt động động lập, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và mong muốn thị trường. 

Rõ ràng, Nhà Trắng dẫn đầu là Tổng thống Donald Trump, Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro và Đại diện Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đều tin rằng trừng phạt thuế quan nên được áp dụng nhiều hơn mà không gây tổn thương lên chính nước Mỹ. Trong khi đó, các quan chức FED có xu hướng coi trừng phạt thuế quan là mối đe dọa lớn với nền kinh tế dò cho Mỹ chưa phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc trong cuộc chiến thuế quan này. Nỗi lo ngại về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế tưng lai là nguyên nhân vì sao FED gợi ý cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% trong tháng 7.

Như vậy, dù cho Nhà Trắng và các quan chức FED đang bất đồng quan điểm sâu sắc, thì hành động của FED nhiều khả năng vẫn mang đến những kết quả mà ông Trump mong muốn. Nhà Trắng và cả thị trường đang dồn sự chú ý vào quyết định của FED trong tuần tới, trong bối cảnh kinh tế Mỹ ổn định và các dữ liệu khả quan liên tiếp được công bố.

CEO Quỹ phòng hộ Hayman Capital: Mỹ - Trung sẽ không đi đến thỏa thuận?

Kyle Bass, nhà quản lý quỹ phòng hộ Hayman Capital Management "không nghĩ rằng một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được"

Kyle Bass, nhà quản lý quỹ phòng hộ Hayman Capital Management đã bày tỏ sự nghi ngờ về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như nhận định khả năng cắt giảm lãi suất của FED sẽ thu về ít hiệu quả trong bối cảnh này.

“Trong tất cả những thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký với chúng tôi kể từ khi thành lập WTO năm 2001, họ chưa bao giờ thực hiện đúng những gì đã cam kết” - nhà sáng lập Hayman Capital Management chỉ trích. “Đến một lúc nào đó, các quan chức Mỹ sẽ giậm chân tại chỗ trước những xung đột leo thang, vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc không muốn thi hành những gì họ không thể kiểm soát hay lường trước. Tôi không nghĩ rằng một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được” - ông Bass cho hay.

Phái đoàn đàm phán Mỹ - Trung sẽ đối thoại trực tiếp tại Thượng Hải vào tuần tới, lần đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 5. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay trong bối cảnh hiện tại, cả hai nước có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nhận định về kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7, ông Bass cho rằng công cụ nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Ương đã mất đi những động lực và nhiều khả năng sẽ không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

“Tôi tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ ngày càng mất tính hiệu quả. Theo tôi, vào đầu năm 2020, nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến sự suy thoái nhẹ. Nhưng nếu hành động ngay lập tức, có thể sẽ kiểm soát được phần nào tăng trưởng kinh tế”.

Trong những diễn biến thị trường phức tạp hiện tại, ông Kyle Bass cũng nhắn nhủ nhà đầu tư nên mua các tài sản dài hạn như trái phiếu dài hạn, bất động sản. “Đó là cách tốt nhất để bảo vệ các khoản đầu tư của bạn: sở hữu những căn hộ, các tòa nhà văn phòng, trái phiếu dài hạn…”

Nhà sáng lập Hayman Capital Management cũng nhận định các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ sẽ có tỷ suất lợi nhuận và cổ tức cao hơn, tiêu biểu là Fannie Mae và Freddie Mac.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục