Trump ra "tối hậu thư" cho TikTok: "bán mình" cho Microsoft trước 15/9 hay bị cấm cửa?

04/08/2020 09:56 GMT+7
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/8 tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ nhận được phần đáng kể sau thương vụ Microsoft mua lại TikTok tại Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hạn cuối để TikTok hoàn tất thương vụ “sang tay” là 15/9 nếu không muốn bị cấm cửa.
Trump ra "tối hậu thư" cho TikTok: "bán mình" cho TikTok trước 15/9 hay bị cấm cửa? - Ảnh 1.

Trump ra "tối hậu thư" cho TikTok: "bán mình" cho TikTok trước 15/9 hay bị cấm cửa?

Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi đã đặt thời hạn trước ngày 15/9 để TikTok chấm dứt mọi hoạt động tại Mỹ, trừ khi nó đạt thỏa thuận với Microsoft hay một công ty nào đó, một thỏa thuận hợp lý để Bộ Tài chính Mỹ thu về rất nhiều tiền”.

“Tôi đã nói một phần đáng kể trong cái giá của thỏa thuận cuối cùng sẽ phải được chuyển vào kho bạc nhà nước, vì chúng tôi cấp quyền cho thỏa thuận này diễn ra” - ông Trump nói thêm về thương vụ Microsoft mua lại TikTok.

Ông Trump, người từng là trùm tài phiệt bất động sản ở New York đã so sánh TikTok với một người cho thuê nhà: “nó không có hợp đồng thuê hay người thuê, không có gì cả. Do đó, nó phải trả tiền cho chính phủ Mỹ (những người đã tạo điều kiện và cấp phép cho giao dịch)”. Vị Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông không bận tâm dù Microsoft hay một công ty Mỹ nào đó mua lại TikTok, nhưng hạn chót để hoàn tất thương vụ phải là 15/9.

Trước đó, một nguồn tin từ Reuters cho hay các nhà đầu tư đang định giá TikTok vào khoảng 50 tỷ USD. Đại gia công nghệ Mỹ Microsoft đã xác nhận đang tổ chức các cuộc đàm phán với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance về việc mua lại ứng dụng đang hot tại Mỹ này. Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào giữa tháng sau, 15/9.

Tuyên bố bước ngoặt diễn ra sau khi ông Trump hồi cuối tuần trước cảnh báo đang xem xét cấm TikTok tại thị trường Mỹ bằng quyền kinh tế khẩn cấp hoặc sắc lệnh hành pháp..

Daniel Elman, nhà phân tích tại Nucleus Research nhận định thương vụ mua lại TikTok có thể dẫn đầu một làn sóng các công ty Mỹ mua lại tài sản internet của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai cường quốc tiếp tục leo thang. Theo ông Elman, làn sóng này có thể ảnh hưởng đến cả ứng dụng WeChat đang phổ biến của Tencent.

Về phía Microsoft, tập đoàn này cho hay CEO Satya Nadella đã trò chuyện với ông Trump về việc sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận về thương vụ mua lại TikTok ở Mỹ. “Thỏa thuận mua lại TikTok phải được đảm bảo an toàn bảo mật hoàn toàn và cung cấp lợi ích kinh tế phù hợp cho Mỹ, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ”.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa bao gồm nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ việc Microsoft mua lại TikTok tại Mỹ. Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer cũng ủng hộ thỏa thuận này. "Một công ty Mỹ nên mua TikTok để người dùng tiếp tục sử dụng ứng dụng này mà vẫn đảm bảo an toàn bảo mật dữ liệu. Đây là vấn đề về quyền riêng tư bảo mật. Nếu TikTok ở Trung Quốc, họ sẽ phải tuân theo luật pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả điều luật bàn giao dữ liệu người dùng cho chính phủ nếu được yêu cầu”.

Hôm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắm đến WeChat, cho hay Tổng thống Trump “sẽ có hành động trong những ngày tiếp theo hướng tới nguy cơ rủi ro an ninh quốc gia gây ra bởi những ứng dụng có mối liên hệ với Trung Quốc”. Tuyên bố trên Fox News, ông Pompeo cho rằng rằng TikTok và nhiều ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc như Tencent hay WeChat thực chất đang cung cấp dữ liệu trực tiếp cho Bắc Kinh.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục