Trừng phạt Nga: Putin ra 'tối hậu thư' cho Phương Tây

Tuấn Anh (Theo Sputnik) Thứ ba, ngày 29/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tổng thống Vladimir Putin trông đợi báo cáo từ Nội các, Ngân hàng Trung ương và Gazprom về việc thực hiện chỉ thị chuyển đổi tiền tệ khi thanh toán khí đốt cho "các quốc gia không thân thiện" hạn chót vào ngày 31/3, Điện Kremlin cho hay.
Bình luận 0
Trừng phạt Nga: Putin ra 'tối hậu thư' cho Phương Tây - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh DW

Thông cáo báo chí của Điện Kremlin cho biết: "Chính phủ Liên bang Nga, cùng với Ngân hàng Nga và công ty cổ phần đại chúng Gazprom cần thực hiện một loạt các biện pháp nhằm thay đổi đồng tiền thanh toán khi cung cấp khí đốt tự nhiên thành đồng rúp cho các nước thuộc Liên minh Châu Âu và các nước đã đưa ra các biện pháp hạn chế đối với công dân Liên bang Nga và các thực thể pháp lý của Nga. Báo cáo cần thực hiện vào ngày 31/3/2022, sau đó sẽ là báo cáo hàng tháng".

Người Phát ngôn điện Kremlin cũng cho biết thêm, các phương thức thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp hiện đang được nghiên cứu, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng Nga chắc chắn sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí.

"Quá trình cung cấp khí đốt hết sức phức tạp. Đây không phải là chuyện đi mua một sản phẩm ở cửa hàng rồi ra thanh toán ở quầy thu ngân. Vì thế việc giao hàng, thanh toán và chốt sổ sách là cả một quá trình kéo dài. Hiện nay Nga đang nghiên cứu và soạn thảo các quy trình",  ông Peskov nói với các phóng viên.

Ông nói rõ rằng vấn đề đang được thảo luận giữa các ban ngành liên quan với Gazprom.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các nước phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt, những lời kêu gọi cần giảm bớt sự phụ thuộc của Châu Âu vào các nguồn năng lượng của Nga ngày càng vang lên thường xuyên hơn. Thị trường đã phản ứng với điều này ngay lập tức, giá khí đốt lên đến gần 4.000 USD/1.000 m3.

Phó Thủ tướng Alexander Novak đã lưu ý, ngay cả cuộc thảo luận về việc châu Âu từ chối các nguồn nhiêu liệu từ Nga cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Theo ông, nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga, thế giới sẽ lao đao và giá cả sẽ khó lường.

Trước đó,  trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Welt ngày 25/3, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã khuyến cáo các nhà cung cấp năng lượng Đức không nên trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

 Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Eni của Ý cũng cho biết, Ý sẽ tiếp tục thanh toán năng lượng cho Nga bằng đồng euro, một cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Ý cho biết vào tuần trước.

"Vấn đề lớn duy nhất ở châu Âu là khí đốt và Nga đang yêu cầu chúng tôi trả bằng đồng rúp mà chúng tôi không có và không có trong hợp đồng", ông Claudio Descalzi nói.

PGNiG của Ba Lan có hợp đồng với Gazprom đến cuối năm, cũng cho biết họ không thể chỉ đơn giản là chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp.

EU đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem