Trung Quốc bơm thêm 79 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

14/03/2020 06:03 GMT+7
Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc mới đây vừa tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong một động thái hôm 13/3, qua đó bơm thêm 550 tỷ NDT (khoảng 79 tỷ USD) vào nền kinh tế vốn đang trì trệ vì dịch virus corona.
Trung Quốc bơm thêm 79 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Ảnh 1.

Trung Quốc tích cực bơm tiền vào nền kinh tế để khôi phục ngành sản xuất trì trệ nhiều tuần qua

Hôm 13/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR xuống 0,5-1% với các ngân hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhất định. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện hành với các ngân hàng lớn của Trung Quốc là 12,5%.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại huy động vốn từ cổ phần đáp ứng đủ điều kiện của PBOC sẽ được cắt giảm thêm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ tăng thanh khoản, tăng nguồn tín dụng trước nhu cầu lớn của các doanh nghiệp, có hiệu lực từ 16/3.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) được xem là bước đi mới nhất của Bắc Kinh để xoa dịu tác động kinh tế từ sự bùng phát dịch virus corona, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Tang Jianwei, chuyên gia kinh tế cao cấp từ Bank of Communications cho biết động thái cắt giảm RRR sẽ giúp Trung Quốc tăng cường không gian thúc đẩy tín dụng và phục hồi nền kinh tế sau nhiều tuần trì trệ vì công tác kiểm soát dịch bệnh.

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC đã khuyến khích các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần tăng cường cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ sự bùng phát dịch virus corona. Thông qua việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, PBOC đang thúc giục các ngân hàng mở rộng thêm dư địa dành cho các khoản vay lãi suất thấp hoặc chậm thanh toán.

Động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được PBOC thực hiện ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong cuộc họp Hội đồng nhà nước đầu tuần này. Theo ông Tang Jianwei, động thái này vô hình chung sẽ mang lại thêm niềm tin cho thị trường tài chính vốn đang hoảng loạn và bất an vì dịch bệnh. 

Kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 1, nước này đã tăng cường các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế, bắt kịp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đề ra. Trước đó, PBOC đã tuyên bố cắt giảm lãi suất tham chiếu LPR và lãi suất cho vay trung hạn MLF. Các nhà phân tích thậm chí kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất cho vay khác trong tuần tới.

Dù tiến hành hàng loạt biện pháp cắt giảm như vậy, PBOC vẫn cảnh báo thị trường sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng để tránh gia tăng gánh nặng nợ ngay cả khi ngân hàng này tỏ ra linh hoạt hơn trong việc ưu tiên các biện pháp kích thích khôi phục tăng trưởng kinh tế. 

Song song với những biện pháp nới lỏng từ PBOC, chính phủ Trung Quốc cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bao gồm miễn thuế, trợ cấp doanh nghiệp, cắt giảm phí bảo hiểm xã hội… Bởi theo các nhà phân tích, chỉ riêng việc nới lỏng tín dụng là không đủ để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại trong ngắn hạn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn nặng nề.

Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters dự đoán tăng trưởng kinh tế quý I của Trung Quốc giảm xuống 3,5%, tức giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6% hồi quý I/2019. Tính chung cả năm 2020, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự đoán chỉ ở mức 5,4%, chậm nhất trong vòng 30 năm kể từ năm 1990.

Dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc cũng chỉ ra kim ngạch thương mại giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm do khủng hoảng dịch virus corona.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục