Trung Quốc công bố dữ liệu sản xuất suy yếu kỷ lục trong tháng 2

29/02/2020 12:50 GMT+7
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm với tốc độ mạnh nhất trong quý II, phản ánh phần nào thiệt hại khổng lồ mà dịch virus corona mang lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy yếu kỷ lục trong tháng 2 - Ảnh 1.

PMI sản xuất của Trung Quốc rơi từ mức trung lập 50,0 hồi tháng 1 xuống mức thu hẹp kỷ lục 35,7

Chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục 35,7 trong tháng 2, giảm mạnh từ mức 50,0 hồi tháng 1, theo số liệu được công bố bởi Cục Thống kê Quốc gia. 50 là mốc trung lập thể hiện sự không tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất, trong khi PMI dưới 50 phản ánh sự thu hẹp đáng kể của ngành.

Trước đó, các nhà phân tích Reuters dự kiến PMI sản xuất tháng 2 của Trung Quốc giảm xuống khoảng 46,0.

Số liệu ảm đạm trong lĩnh vực sản xuất phản ánh một trong những tác động đáng kể của dịch virus corona đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng ra 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 3.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc từ lâu đã chịu tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ Trung, dịch virus corona đã làm rạn nứt hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất Trung Quốc, khi các hoạt động sản xuất và logistics ngừng trệ vì hàng loạt quyết định phong tỏa, cách ly nhiều tỉnh thành. Ước tính, việc phong tỏa 21/31 tỉnh thành Trung Quốc đã khiến khoảng 80% nền kinh tế nước này tê liệt trong nhiều tuần, tạo ra cú sốc cung và giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc quý I/2020.

Nomura dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I/2020 chỉ ở mức 2% trong khi Capital Economics nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng trong tất cả các quý của năm. 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ, tung hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế để phần nào ổn định nền kinh tế trì trệ nhiều tuần qua. Nhưng việc khôi phục năng lực sản xuất không phải dễ dàng trong bối cảnh các nhà máy thiếu hụt lao động và nhiều tỉnh, thành như Hồ Bắc vẫn đang bị phong tỏa. Dù chính quyền Bắc Kinh kêu gọi các địa phương khuyến khích nhà máy mở cửa tạo điều kiện cho công nhân trở lại sản xuất, nhiều công nhân nhập cư vẫn chưa thể trở lại do quy tắc cách ly kiểm dịch 14 ngày và nhiều hạn chế giao thông khác.

Một dữ liệu chính thức trên tờ CNBC cho thấy chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc đã trở lại sản xuất tính đến 26/2. Một số doanh nghiệp dù mở cửa hoạt động trở lại nhưng vẫn không đạt năng suất lao động bình thường do thiếu hụt lao động và tâm lý lo lắng dịch bệnh bùng phát. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tạo ra 80% việc làm cho nền kinh tế và đóng góp 60% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Trong bối cảnh như vậy, một số công ty đa quốc gia đang tìm kiếm những đối tác khác, những thị trường khác để giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhận định: “Ngay cả khi tình trạng thiếu hụt lao động tại Trung Quốc được khắc phục, một số nhà máy vẫn có nguy cơ khó khôi phục năng suất sản xuất nếu dịch bệnh bùng phát ở các quốc gia khác (Hàn Quốc, Nhật Bản…) làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trung gian”.

Không riêng lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ Trung Quốc cũng chứng kiến sự giảm tốc mạnh nhất khi chỉ số quản lý thu mua PMI dịch vụ giảm từ mức mở rộng 54,1 trong tháng 1 xuống mức thu hẹp kỷ lục 29,6 trong tháng 2, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định những ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, giải trí, giao thông vận tải… là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch virus corona do lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, khu vực đông người.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục