Trung Quốc đã hạn chế nguồn cung, xuất khẩu đất hiếm tháng 5 giảm mạnh
Dữ liệu của Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc công bố hôm 10.6 cho thấy xuất khẩu khoáng sản đất hiếm trong tháng 5 của Trung Quốc ước đạt 3,639.5 tấn, giảm mạnh so với mức 4,329 tấn trong tháng 4.
Việc xuất khẩu đất hiếm tại Trung Quốc bất ngờ giảm đi ngược lại với thặng dư thương mại tăng lên, cũng theo báo cáo từ Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 1.1% trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu chứng kiến mức giảm 8.5%, làm cho thặng dư thương mại của quốc gia này đạt 41.65 tỷ USD.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã đe dọa sẽ cắt nguồn cung đất hiếm sang Mỹ sau khi Mỹ áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu và đưa Huawei vào danh sách đen do những quan ngại về an ninh quốc gia và vi phạm chính sách ngoại giao. Trong động thái đáp trả, Trung Quốc ngoài việc đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm còn tuyên bố áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ hôm 1.6.
Trung Quốc được biết đến như nhà sản xuất và xuất khẩu đất hiếm hàng đầu thế giới, cung cấp 17 loại khoáng sản đất hiếm khan hiếm được sử dụng trong chế tạo động cơ xe hơi, thiết bị điện tử, lọc dầu, vũ khí quân sự (bao gồm cả laser và radar)... Theo một thống kê năm 2018, sản lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc ước đạt 120.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng xuất khẩu đất hiếm trên toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng khai thác đất hiếm của Mỹ năm 2018 chỉ đạt 15.000 tấn. Còn nguồn tin từ South China Morning Post lại cho hay có thời điểm kim ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc chiếm 90% kim ngạch toàn cầu, giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Một mỏ khai thác khoáng sản đất hiếm tại Trung Quốc
Các chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về tầm quan trọng của vũ khí đất hiếm trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Một số ý kiến cho rằng Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, và Trung Quốc rõ ràng đang nắm “lá bài tẩy” trong tay. Sự sụt giảm trong nguồn cung đất hiếm sẽ gây tổn thất không nhỏ đến một số lĩnh vực công nghiệp như quốc phòng, ô tô, linh kiện điện tử…
Trong khi đó, số còn lại duy trì ý kiến rằng Mỹ không phải quốc gia tiêu thụ nhiều khoáng sản đất hiếm. Nước này hoàn toàn có thể nhập khẩu số khoáng sản bị Trung Quốc cắt giảm từ các quốc gia khác để khắc phục, đồng thời tăng năng lực và sản lượng khai thác đất hiếm trong nước thay thế.
Hiện Mỹ đã ban hành dự thảo những biện pháp khắc phục một khi Trung Quốc cắt nguồn cung đất hiếm. Nếu hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình không đạt tới một thỏa thuận thống nhất hay diễn biến tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tháng 6, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng đất hiếm như “con át chủ bài” trong chiến tranh thương mại.