Trung Quốc đang tham vọng nhiều hơn ở Bắc Cực: Nga, Mỹ sẽ phản ứng ra sao?

24/05/2021 12:25 GMT+7
Các chuyên gia từ công ty tư vấn rủi ro Control Risks nhận định tham vọng của Trung Quốc trong việc bành trướng tầm ảnh hưởng ở Bắc Cực có thể dẫn tới sự gia tăng căng thẳng với nhiều cường quốc khác.

Bà Oksana Antonenko, giám đốc Control Risks trò chuyện với CNBC cho hay: Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện kể từ khi nước này gia nhập Hội đồng Bắc Cực với tư cách là quan sát viên vào năm 2013.

Hội đồng Bắc Cực được sáng lập bởi 8 quốc gia cận Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Đây là một cơ quan liên chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia Bắc Cực cũng như vùng dân cư sinh sống ở Bắc Cực. Ưu tiên lớn nhất là đảm bảo khu vực Bắc Cực - nơi có khí hậu và điều kiện thời tiết khắc nghiệt - được bảo vệ và phát triển bền vững.

Vào năm 2018, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa vùng Cực”, một mạng lưới tuyến vận tải biển đi qua Bắc Cực. Quốc gia này cũng tự nhận là nước “cận Bắc Cực”, một điều gây tranh cãi lớn. Thực tế, khoảng cách từ điểm gần Bắc Cực nhất tại Trung Quốc cho đến vòng Cực Bắc là 900 dặm, tức khoảng 1.448 km.

Trung Quốc đang tham vọng nhiều hơn ở Bắc Cực: Nga, Mỹ sẽ phản ứng ra sao? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang tham vọng nhiều hơn ở Bắc Cực, chẳng hạn tăng cường đầu tư cho các dự án thăm dò năng lượng của Nga

Bà Antonenko cho biết các quốc gia Bắc Cực lo ngại về việc Trung Quốc “đơn phương” tham vọng đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực. Trong khi đó, Nga - quốc gia đang phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây do hoạt động thăm dò năng lượng ở vùng Bắc Cực - lại đang nhận tài trợ từ Trung Quốc.

“Trung Quốc đang mở rộng các khoản đầu tư nhằm mục tiêu đóng góp vai trò quan trọng hơn, thúc đẩy tuyến vận chuyển đường biển tại Bắc Cực” - bà Antonenko nhấn mạnh trong cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bắc Cực vào tuần trước. “Do đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia ven Bắc Cực”.

Ông Alexander Gabuev từ Trung tâm Carnegie Moscow, đồng thời là chủ tịch chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của Nga cho biết Moscow đang “mở rộng mối quan tâm” trong việc phát triển các dự án năng lượng lớn ở Bắc Cực, nhưng không có đủ vốn cần thiết. Theo ông Gabuev, Nga đang coi Trung Quốc như một nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời là một thị trường tiêu thụ hydrocarbon tiềm năng. Dù vậy, Nga không muốn Trung Quốc trở thành một thành viên chính thức trong Hội đồng Bắc Cực.

“Nga đã làm việc với Mỹ và các thành viên chính thức khác, (đồng tình rằng) các quan sát viên trong nhóm (như Trung Quốc) về cơ bản không có tiếng nói. Họ có thể ngồi cùng bàn trong Hội đồng Bắc Cực, nhưng họ không có quyền lực thực sự. Tôi cho rằng đây là lợi ích chung của tất cả các quốc gia ở Bắc Cực”.

Tham vọng không chỉ ở Bắc Cực

Không riêng tại Bắc Cực, Trung Quốc cũng được cho là đang nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng quốc tế tại nhiều khu vực khác. Chẳng hạn, thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, Trung Quốc muốn tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á - một khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thể chế thương mại đa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy điều này thông qua phê duyệt và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP cũng như ký kết Hiệp định toàn diện về đầu tư Trung Quốc - EU” - trích lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần trước trong cuộc họp thường ngày của chính phủ tại Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng sẽ tích cực xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP ban đầu được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ. Nhưng khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ thay người tiền nhiệm Obama, ông này đã rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017. Sau đó, Hiệp định đã được chỉnh sửa và phê duyệt bởi 11 thành viên còn lại bao gồm Việt Nam,đồng thời đổi tên thành CPTPP. Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2018.

Hồi tháng 11 năm ngoái, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố Bắc Kinh sẽ “xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)". Một quan chức cấp cao khác của Bắc Kinh là phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng khẳng định Trung Quốc có thái độ “cởi mở và tích cực” với việc xem xét gia nhập Hiệp định TPP. Nếu Trung Quốc thực sự tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương TPP, nước này sẽ trở thành thành viên của hai Hiệp định thương mại lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong khi Mỹ không có tên trong cả hai.


NTTD
Cùng chuyên mục