Trung Quốc dự kiến kiểm soát an ninh mạng để đáp trả Mỹ?
Cụ thể, dự thảo các biện pháp kiểm soát an ninh mạng được Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc công bố hôm nay 24/5, ngay trong bối cảnh căng thẳng leo thang và xung đột thương mại ngày càng trầm trọng. Nội dung dự thảo yêu cầu đánh giá rủi ro an ninh quốc gia khi các nhà mạng, công ty công nghệ viễn thông trong nước sử dụng các công nghệ, dịch vụ viễn thông nước ngoài.
Cũng theo nội dung dự thảo, rất có thể Bắc Kinh sẽ ban bố lệnh hạn chế nhập khẩu linh kiện điện tử viễn thông, ứng dụng, phần cứng và phần mềm từ các công ty Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia. Trong khi các tập đoàn công nghệ Trung Quốc hiện đang phụ thuộc nguồn cung linh kiện, con chip từ Mỹ, nhiều công ty Mỹ cũng đặt các nhà xưởng sản xuất và có dự án hợp tác phát triển công nghệ tại quốc gia tỷ dân. Động thái cứng rắn của Bắc Kinh rõ ràng làm tăng những nghi ngại về sự xung đột ngày một căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
“Dự thảo từ phía Trung Quốc chưa nêu chi tiết các vấn đề sẽ được xem xét như một rủi ro bảo mật, điều này đồng nghĩa với việc quan chức Trung Quốc có thể hiện thực hóa nó một cách linh hoạt dựa trên diễn biến của chiến tranh thương mại.” - ông Nick Marro, nhà phân tích kinh tế tại Hong Kong chia sẻ.
Những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia từ lâu đã được Mỹ sử dụng như một sự biện minh cho các lệnh hạn chế thương mại nhắm đến Trung Quốc
Bà Samm Sacks, Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Mỹ cho hay dự thảo này còn mang ý nghĩa như một sự trả đũa chính phủ Mỹ sau lệnh hạn chế thương mại mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành nhắm vào Huawei, nhằm chặn đứng tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký quyết định đưa Huawei cùng 70 chi nhánh của nó vào một danh sách đen do các cáo buộc vi phạm lợi ích an ninh quốc gia. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nghi ngờ về mối quan hệ giữa Huawei và các hoạt động gián điệp từ phía Bắc Kinh. Gã khổng lồ viễn thông còn bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran.
Các công ty công nghệ viễn thông Mỹ như Google, Intel, Qualcomm sau đó đều tuyên bố đình chỉ hoạt động giao dịch thương mại với Huawei, cho đến khi một sắc lệnh nới lỏng hạn chế thương mại 90 ngày được ban bố.
Về phía Huawei, ông trùm viễn thông vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen tuyên bố hệ điều hành riêng của họ sẵn sàng ra mắt trong năm nay thay cho Google Android một khi lệnh hạn chế thương mại bị siết chặt. Các bản sao lưu đã sẵn sàng để mạng lưới Internet cùng toàn bộ smartphone, thiết bị thông minh của Huawei hoạt động bình thường trong mọi trường hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc danh sách đen của Mỹ hoàn toàn không gây nhiều ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của Huawei cũng như sự phát triển mạng lưới công nghệ 5G mà hãng đang theo đuổi.