Trung Quốc không còn dẫn đầu BXH quốc gia phục hồi từ Covid-19

07/10/2021 09:58 GMT+7
Trung Quốc đã trượt từ vị trí đầu tiên xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng mới nhất của Nikkei về chỉ số phục hồi sau Covid-19.

Bảng xếp hạng (BXH) chỉ số phục hồi sau Covid-19 của Nikkei đánh giá các quốc gia và khu vực pháp lý trên thế giới trong tốc độ phục hồi dựa trên các yếu tố như kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin và tính di động xã hội. Xếp hạng càng cao phản ánh tốc độ phục hồi càng mạnh mẽ của nền kinh tế do số ca nhiễm mới thấp, tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp giãn cách xã hội ít nghiêm ngặt.

Trung Quốc đã đứng đầu BXH của Nikkei nhờ số ca nhiễm mới thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao kể từ khi chỉ số lần đầu tiên được công bố vào tháng 7. Nhưng cho đến nay, về tính di động xã hội, Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ 105/121 quốc gia và khu vực pháp lý được thống kê trong tháng 9. Trong khi đó, các quốc gia khác đang dần bắt kịp Trung Quốc về số ca nhiễm mới và tỷ lệ tiêm chủng. Đó là lý do vì sao Trung Quốc tụt xuống hạng thứ 9 trong BXH mới nhất về chỉ số phục hồi từ Covid-19. 

Trung Quốc không còn dẫn đầu BXH quốc gia phục hồi từ Covid-19 - Ảnh 1.

Trung Quốc không còn dẫn đầu BXH quốc gia phục hồi từ Covid-19 (Ảnh: Nikkei Asia)

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã tiêm hơn 2,2 tỷ liều vắc xin Covid-19. Khoảng 70% dân số đã được tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin. Tuy vậy, quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển khi xuất hiện một số ca nhiễm mới liên quan đến biến chủng Delta dễ lây lan. Chính phủ Trung Quốc thậm chí khóa cửa mọi thành phố và khu vực dân cư nếu bất cứ ca nhiễm nào được ghi nhận. Số lượng chuyến bay từ nước ngoài về nước cũng bị hạn chế và kiểm dịch nghiêm ngặt, với thời gian cách ly bắt buộc lên tới 3-4 tuần. Tính đến tháng 9/2021, số chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc vẫn giảm hơn 90% so với mức trước đại dịch, theo Cirium, một công ty phân tích và dữ liệu hàng không.  

Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát chặt chẽ như vậy trong khoảng 1 năm tới với chính sách “zero-Covid”. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 8, Economist Intelligence Unit dự báo rằng các biện pháp kiểm soát di chuyển nghiêm ngặt sẽ được Bắc Kinh duy trì cho đến quý III/2022, khi Trung Quốc có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng liều vắc xin tăng cường thứ 3 rộng rãi trong toàn dân số.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, một số quốc gia đã ghi nhận thứ hạng tăng lên khi số ca nhiễm mới giảm rõ rệt và tỷ lệ tiêm chủng ngày một cao.

Hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Thế giới World Bank đã hạ dự báo hàng loạt quốc gia Đông Á - Đông Nam Á và Thái Bình Dương do dự báo đà phục hồi của khu vực đang suy yếu nghiêm trọng bởi làn sóng dịch Covid-19 liên quan đến biến thể Delta.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, WB cảnh báo sự phục hồi của các quốc gia còn lại trong khu vực có thể sẽ “mất đà” vì biến thể Delta. Cụ thể, WB hạ dự báo tăng trưởng cho phần còn lại của khu vực Đông Á - Đông Nam Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) từ 4,4% xuống chỉ còn 2,5%. Tăng trưởng chung của khu vực (có bao gồm Trung Quốc) ước tính đạt khoảng 7,5% do được mức tăng mạnh mẽ của Trung Quốc tiếp sức.

Manuela Ferro, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương cho biết: “Sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển Đông Á - Đông Nam Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vào năm 2020, khu vực này kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 trong lúc các quốc gia khác lao đao. Nhưng bước sang năm nay, sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới Covid-19 đã làm mờ đi triển vọng tăng trưởng”.

WB nhấn mạnh các chính phủ cần nỗ lực nghiêm túc trên 4 mặt trận để đối phó với làn sóng dịch hiện tại” giải quyết các hạn chế về khả năng phân phối và tiêm chủng vắc xin, tăng cường xét nghiệm và truy vết, đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong khu vực và củng cố năng lực hệ thống y tế.


NTTD
Cùng chuyên mục