Trung Quốc mở cửa nhập khẩu, giá xoài, giá thanh long cùng tăng

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 08/04/2020 09:00 AM (GMT+7)
Từ đầu tháng 4, một số loại trái cây rục rịch tăng giá khi phía Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu trở lại. Dù lượng xuất chưa nhiều nhưng đây vẫn là tín hiệu vui đối với nhiều nhà vườn giữa đại nạn kép là dịch Covid-19 và hạn mặn.
Bình luận 0

Nông dân phấn khởi

Anh Nguyễn Minh Lộc, chủ vựa xoài Minh Lộc (Đồng Tháp) cho biết, mấy ngày gần đây, xoài Đài Loan xanh tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 ngày.

img

Trước thông tin thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại, giá xoài tại các tỉnh ĐBSCL bắt đầu tăng nhẹ

Cụ thể, ngày 7/4, xoài Đài Loan xanh lọai 1 tại vựa xoài Minh Lộc có giá 8.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 5.000 đồng/kg. Riêng xoài Đài Loan đỏ loại 1 có giá 14.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 7.000 đồng/kg. Vườn xoài nào đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sẽ được thu mua với giá cao hơn.

Theo anh Lộc, giá xoài có xu hướng tăng là nhờ một số vựa hàng đã có thể “đi công” xuất khẩu sang Trung Quốc, dù lượng xuất chưa được nhiều. Trong điều kiện vận chuyển hàng hóa cả trong và ngoài nước còn còn khó khăn, những tín hiệu này cho thấy thị trường đang dần tốt lên.

Một nguyên nhân nữa khiến giá xoài tăng là do nhiều vườn đã thu hoạch xong, thời điểm hiện tại đang cạn nguồn hàng. Số còn lại thì chất lượng không tốt, chủ yếu là hàng chợ. “Những vườn đẹp đã hết trái trong khi những vườn ra bông trễ, hiện đang thu hoạch thì gặp thời tiết xấu nên chất lượng trái không cao”, anh Lộc giải thích.

img

Giá xoài tăng khiến nhà vườn phấn khởi dù xuất khẩu chưa nhiều.

Không chỉ xoài tăng giá mà trái thanh long các loại cũng đã rục rịch tăng giá nhẹ. Tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nông dân Nguyễn Văn Hưng cho biết, từ đầu tháng 4, giá thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng đều đã tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ loại 1 hiện có giá 26.000 đồng/kg, loại 2 giá 16.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ loại 3 giá 9.000 đồng/kg. Một số nơi còn bán được giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với các mức giá nêu trên.

Nông dân trồng thanh long rất phấn khởi khi giá thanh long ruột trắng cũng đang tăng nhẹ. Giá thu mua dao động từ 16.000 – 18.000 đồng/kg tùy chất lượng. Giá này đã tăng 2.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3. Hàng dạt thanh long ruột trắng hiện cũng được thu mua với giá từ 4.000 – 6.000 đồng/kg.

Theo anh Hưng, thanh long tăng giá do một số doanh nghiệp bắt đầu đưa hàng đi Trung Quốc, dù việc kiểm tra xe hàng nhằm phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 còn gắt gao.

Thị trường sẽ sớm hồi phục?

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cũng thông tin, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan sang các nước châu Âu, xuất khẩu trái cây rơi vào thế khó khăn, lượng tiêu thụ tại các thị trường đều giảm.

Trong tháng 3, xuất khẩu trái cây của công ty này giảm đến 70% so cùng kỳ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu có những tín hiệu cực. Tỷ lệ sụt giảm sẽ được kéo giảm xuống. Vina T&T Group dự báo trong khoảng 2 tuần tới, mức sụt giảm của doanh nghiệp sẽ chỉ còn khoảng 50% so với trước.   

Ông Tùng cho rằng, trái cây cũng là một trong những thực phẩm thiết yếu. Dù có tiết kiệm chi tiêu thì sau một thời gian ở trong nhà, người tiêu dùng vẫn sẽ tìm cách đặt mua để sử dụng. Dịch bệnh lây lan đã khiến việc đi lại, mua sắm có phần hạn chế nhưng sau đó, nhiều người tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nhà. Sức tiêu thụ nhờ đó cũng dần dần phục hồi.

img

Thu mua thanh long tại Long An. Ảnh Lê Đức

Theo Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu hàng rau quả đạt 152,5 triệu USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 đạt 300 triệu USD, tăng hơn 18% so với tháng trước.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, từ đầu tháng 3/2020, hầu hết các cửa khẩu biên giới đất liền vào Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Vì vậy xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc dần phục hồi.

Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng rau quả ổn định trong lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu qua đường biên giới. Thay vào đó là đàm phán để xuất khẩu chính ngạch, chủ động áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các sản phẩm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn trong mùa dịch. Các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu để chuẩn bị nguồn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Úc, Đài Loan, Nga lại tăng mạnh.

Cụ thể, hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Thái Lan trong 2 tháng đầu năm đạt 35,2 triệu USD, tăng 366% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường Lào đạt 9,7 triệu USD, tăng hơn 270%; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 8,9 triệu USD, tăng hơn 112%; xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 8,2 triệu USD, tăng 246%...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem