Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm Huawei để nối lại đàm phán

28/06/2019 07:54 GMT+7
Bất chấp những tín hiệu tích cực về cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đưa ra việc dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại với Huawei như một điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận thương mại.

Nguồn tin từ tạp chí phố Wall cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa ra cho Tổng thống Trump một loạt yêu sách mà Trung Quốc muốn Mỹ xem xét trước khi nước này đồng ý tiếp tục đàm phán về tranh chấp thương mại. Điều này ngay lập tức làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ đàm phán thương mại sụp đổ, và Trump sẽ áp lệnh trừng phạt thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tiếp theo.

Một trong số những điều kiện tiên quyết để Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán là Mỹ phải dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại với gã khổng lồ viễn thông Huawei - công ty bị Bộ thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5 do hàng loạt cáo buộc về an ninh quốc gia.

Trước thông tin này, Giám đốc phụ trách vấn đề bảo mật mạng của Huawei, ông Andy Purdy khẳng định thỏa thuận thương mại sẽ không ảnh hưởng đến khả năng Huawei hoạt động tại thị trường Mỹ. “Bất kỳ những ai nghĩ rằng một thỏa thuận với Mỹ sẽ triệt tiêu mọi cơ hội kinh doanh của Huawei trên thị trường này, thì rõ ràng họ đang không hiểu cách làm việc của Chính phủ Mỹ”.

Ông Andy Purdy đồng thời nhấn mạnh “Huawei không muốn và không phải là người phát ngôn cho Chính phủ Trung Quốc, và phát ngôn của Chính phủ cũng không đại diện cho Huawei. Huawei đang mong chờ một cơ hội đối thoại trực tiếp với Nhà Trắng về các cáo buộc an ninh quốc gia cũng như biện pháp giảm thiểu rủi ro an ninh cho Mỹ.”

Ngoài ra, Trung Quốc muốn Mỹ xóa bỏ mọi trừng phạt thuế quan với hàng hóa nước này và ngừng gây sức ép buộc Trung Quốc nhập khẩu thêm hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vượt quá những thỏa thuận đã thống nhất trong cuộc đàm phán bên lề Hội nghị G20 tháng 12 năm ngoái.

Một trong số những điều kiện tiên quyết để Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán là Mỹ phải dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại với gã khổng lồ viễn thông Huawei

Thực tế, ông Tập cũng phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ trong nước về việc chống lại Washington sau tất cả những chỉ trích, cáo buộc từ Nhà Trắng về việc không tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ doanh nghiệp nhà nước và quan ngại hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Tập sẽ không dùng giọng điệu đối đầu với Tổng thống Trump, mà thay vào đó là sự thuyết phục ông Trump thỏa hiệp với Trung Quốc để tăng cường lợi ích của Mỹ trong các vấn đề an ninh với Iran hay Triều Tiên.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump tự tin khẳng định Trung Quốc cần một thỏa thuận thương mại thống nhất, và trách nhiệm của nước này là thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ, bảo hộ...mà họ đã đồng ý hồi tháng 4.2019 nhưng lại không có hành động cụ thể sau đó.

“Chúng tôi đã đi tới một thỏa thuận, nhưng sau đó họ (Trung Quốc) hành động như thể: “Thấy đấy, Trung Quốc sẽ không thực hiện những điều mà hai bên đã nhất trí đâu” - Tổng thống Trump chia sẻ với Fox.

Bất chấp cuộc gặp gỡ sắp diễn ra bên lề G20 với Trung Quốc, ông Trump vẫn lên kế hoạch cho một lệnh trừng phạt thuế quan mới nhắm vào 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cho rằng mức thuế có thể bắt đầu từ 10% trở lên, áp dụng cho các mặt hàng tiêu dùng như quần áo may mặc, smartphone, laptop… 

Trước đe dọa áp thuế 25% với các mặc hàng như máy chơi game nhập khẩu, các nhà sản xuất máy chơi game hàng đầu nước Mỹ ngay lập tức phản ứng. Trong một tuyên bố chung, Microsoft, Nintendo và Sony đều tỏ ra không đồng tình vì mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ. Họ ước tính đề xuất này có khả năng thổi bay việc làm của hơn 220.000 người Mỹ và gây tác động lớn đến hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục