Trung Quốc, Mỹ đua nhau mua, giá loại nông sản này cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 1.650 USD/tấn

K.Nguyên Thứ năm, ngày 11/11/2021 13:27 PM (GMT+7)
Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá cao su tăng mạnh và nhu cầu cao từ thị trường Mỹ, Trung Quốc.
Bình luận 0

Lượng xuất khẩu giảm nhưng giá cao su vẫn tăng vì Trung Quốc mua nhiều

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý III/2021, tuy lượng xuất khẩu giảm nhưng giá cao su vẫn tăng vì Trung Quốc mua nhiều.

Đáng chú ý, dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều nông trường ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh buộc phải ngừng cạo mủ nhưng trong quý III/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động, dao động quanh mức 260-320 đồng/độ mủ.

Sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách, việc lưu thông thuận lợi hơn, tháng 10/2021, giá cao su có xu hướng tăng trở lại theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. 

Hiện giá cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 300 - 345 đồng/độ mủ.

Cụ thể, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 303-343 đồng/độ mủ, tăng 18 đồng/độ mủ so với cuối tháng trước. 

Tại Bình Dương giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 343-345 đồng/độ mủ, tăng 15 đồng/ độ mủ so cuối tháng trước.

Trung Quốc, Mỹ đua nhau mua, giá loại nông sản này cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 1.650 USD/tấn    - Ảnh 1.

Lượng xuất khẩu giảm nhưng giá cao su vẫn tăng vì Trung Quốc mua nhiều. Trong ảnh: Công nhân cạo mủ cao su tại Bình Phước. Ảnh: CTV.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, Việt Nam xuất khẩu được 574.910 tấn cao su, trị giá 948,59 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá cao su tăng mạnh. 

Theo đó, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trừ xuất khẩu một số chủng loại cao su giảm, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

 Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 368.680 tấn, trị giá 608,05 triệu USD. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 366.110 tấn, trị giá 603,45 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc chi 1,5 tỷ USD mua cao su của Việt Nam

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu cao su trên thị trường thế giới đều tăng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong các tháng đầu năm 2021, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su lớn đều tăng nhu cầu so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 9,18 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng so với mức 14,3% của cùng kỳ năm 2020. 

Trung Quốc, Mỹ đua nhau mua, giá loại nông sản này cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 1.650 USD/tấn    - Ảnh 2.

Giá cao su còn tăng do nhu cầu lớn từ Trung Quốc, Mỹ. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến của Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: CS Dầu Tiếng.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, dù nhập khẩu cao su từ Việt Nam của nhiều thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng xét về thị phần thì trừ Trung Quốc, ở các thị trường khác, thị phần cao su Việt Nam vẫn rất khiêm tốn.

Đơn cử như thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU trong 7 tháng đầu năm 2021. 

Trong 8 tháng năm 2021, nhập khẩu cao su của Malaysia đạt 3,12 tỷ USD nhưng thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 0,4%.

Mỹ cũng chi 2,87 tỷ USD để nhập khẩu cao su trong 8 tháng đầu năm 2021 nhưng thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 1,9% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Mỹ.

Giá cao su còn tăng do nhu cầu lớn từ Trung Quốc, Mỹ...

Quý III/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và dịch Covid-19 bùng phát tại khu vực châu Á.

Sang tháng 10/2021, giá cao su đã hồi phục trở lại trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, trong khi nguồn cung cao su giảm. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng mạnh cũng là yếu tố tác động đến giá cao su.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước). 

Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. 

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020 (giảm so với mức 13,86 triệu tấn dự báo tháng trước). 

Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329.000 tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem