Trung Quốc: Quý III nền kinh tế đối diện nguy cơ lao dốc mạnh

26/09/2019 12:17 GMT+7
Dữ liệu kinh tế quý II của Trung Quốc đã đánh gục kỳ vọng của thị trường với mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 27 năm. Nhưng theo các nhà phân tích, kỳ vọng kinh tế quý III thậm chí còn ảm đạm hơn.
Kinh tế Trung Quốc quý III đối diện nguy cơ lao dốc mạnh - Ảnh 1.

Nhiều dữ liệu dự báo kinh tế Trung Quốc trong quý III có nguy cơ lao dốc

Kết quả cuộc khảo sát hàng quý do China Beige Book công bố hôm 25/9 đã chỉ ra nguy cơ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong quý III, giữa bối cảnh nợ Chính phủ, Doanh nghiệp và người dân tăng vọt.

Báo cáo cho thấy doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, doanh số bán hàng và tăng trưởng việc làm lao động các ngành trong quý III đều giảm tốc rõ rệt so với quý II. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng chững lại, theo khảo sát mà China Beige Book thực hiện trên 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc. Nợ quốc gia vẫn đang tăng trưởng, sau khi tổng lượng phát hành trái phiếu của Trung Quốc lên mức cao nhất trong lịch sử khảo sát của China Beige Book.

Nợ quốc gia kỷ lục

Nợ Doanh nghiệp và cá nhân đang ở mức cao trong bối cảnh Ngân hàng Trung Ương thay đổi cơ chế cho vay và có xu hướng cắt giảm lãi suất. Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng vẫn tiếp tục tung gói cứu trợ tín dụng trong quý tiếp theo để cứu vãn những dữ liệu kinh tế ảm đạm.

Tăng trưởng kinh tế quý IV/2018 của Trung Quốc giảm xuống 6,4%, kéo tăng trưởng GDP trung bình năm xuống mức chậm nhất kể từ năm 1990. Khảo sát của China Beige Book năm ngoái chỉ ra gần như mọi công ty được hỏi thừa nhận đã sử dụng gói vay cứu trợ.

Đến nửa đầu năm 2019, kết quả kinh tế thậm chí còn ảm đạm hơn, khi tăng trưởng GDP giảm còn 6,2% trong quý II/2019, thấp nhất trong vòng 27 năm. Không khó hiểu khi Bắc Kinh buộc phải nới lỏng tài khóa, tung gói vay kích thích nền kinh tế bất chấp nợ nần tăng lên kỷ lục. 

Dự kiến Trung Quốc sẽ công bố tăng trưởng GDP quý III vào khoảng giữa tháng 10.

Hiệu quả kích thích với nền kinh tế Trung Quốc chưa rõ rệt

Yuxian Zhang, tổng giám đốc bộ phận dự báo kinh tế Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc nhận định quý III/2019 sẽ đánh dấu một mức tăng trưởng GDP thảm hại trong năm nay. Lý giải mà Yuxian Zhang đưa ra là đa số các chính sách kích thích như cắt giảm thuế hay thay đổi cơ chế cho vay mà Chính phủ đưa ra sẽ cần thời gian để phát huy hiệu quả.

Theo dự đoán của ông Zhang, tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ đạt 6,1% trong quý III và hồi phục về mức 6,2% trong quý IV. Tăng trưởng GDP bình quân năm 2019 dao động trong khoảng 6,2%-6,3%.

Còn báo cáo của ông Liu Shangxi, Chủ tịch Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính cho hay đến cuối tháng 6/2019, nước này đã thành công cắt giảm khoảng 50% trên tổng mục tiêu cắt giảm thuế phí 2.000 tỷ NDT (tương đương 280,93 tỷ USD). Tuy nhiên, mức cắt giảm lớn lao này vẫn chưa thể đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý II bởi nhiều tác động từ bất ổn thương mại quốc tế.

Vấn đề lớn nhất của các nhà hoạch định Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại là nỗ lực cân bằng những kích thích kinh tế mà vẫn kiểm soát được tăng trưởng nợ quốc gia.

Kinh tế Trung Quốc khó tránh tăng trưởng chậm!

Kinh tế Trung Quốc quý III đối diện nguy cơ lao dốc mạnh - Ảnh 2.

Các nhà hoạch định chính sách phải giải bài toán khó trong bối cảnh thương chiến kéo dài và kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái

Căng thẳng thương mại với Mỹ - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc đã khiến kinh tế Trung Quốc năm 2018 rơi vào bất ổn. Nhưng nguy cơ suy thoái kinh tế lại chủ yếu đến từ áp lực nợ quốc gia nặng nề từ trước khi bị cuốn vào xung đột Mỹ Trung.

Đầu tháng 9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã điều chỉnh tăng trưởng GDP mục tiêu trong năm 2019 xuống còn khoảng 6%-6,5%, đồng thời cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc không dễ đạt mức tăng trưởng nhanh hơn 6% trong năm nay. 

Do sự giảm tốc kinh tế, Bắc Kinh đã nỗ lực khuyến khích các ngân hàng cung cấp nguồn tín dụng dồi dào với cơ chế mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay nhiều vốn hơn, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Trước đó, doanh nghiệp nhà nước là đối tượng được các ngân hàng đặc biệt ưu tiên, trong khi khu vực kinh tế tư nhân mới đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động quốc gia.

Tuy nhiên, khi mà nợ quốc gia Trung Quốc đang chiếm tới 30% GDP, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Yi Gang khẳng định các nhà chức trách sẽ không tung gói kích thích mạnh mẽ làm "lũ lụt" thị trường tín dụng, gây ra tình trạng nợ chồng chất nợ. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục