Trung Quốc thay đổi chính sách, xuất khẩu sắn ảm đạm

11/08/2019 07:42 GMT+7
Như nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu sắn 6 tháng đầu năm 2019 có sự sụt giảm đáng kể. Đây là mặt hàng mấy năm trước có sự tăng trưởng ngoạn mục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi ở thị trường xuất khẩu chính Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu giảm

Theo thống kê sơ bộ, tháng 7/2019 cả nước đã xuất khẩu được khoảng 140.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá ước đạt 55 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng 6/2019; so với cùng kỳ năm 2018 tăng 27,2% về lượng và tăng 10,7% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 393 USD/tấn.

trung quoc thay doi chinh sach, xuat khau san am dam hinh anh 1

Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn.  Ảnh: T.L

Tính đến hết tháng 7/2019 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,34 triệu tấn, trị giá 517 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 7/2019 xuất khẩu ước đạt 4.000 tấn, trị giá 1 triệu USD, giảm 79,3% về lượng và giảm 81,1% về trị giá so với tháng 6/2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn ước đạt 242.000 tấn, trị giá 51 triệu USD, giảm 57,6% về lượng và giảm 58,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Agromonitor, lượng tồn kho sắn lát cả nước đến ngày 20/7/2019 ước tính còn khoảng 160.000 tấn (khu vực Quy Nhơn còn khoảng 100.000 tấn và miền Nam còn khoảng 60.000 tấn), trong khi nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy cồn và nhà máy sản xuất cám thủy sản các tháng cuối năm khá tốt, bên cạnh đó nguồn cung sắn vụ mới tại Tây Nguyên dự kiến sẽ có muộn hơn ít nhất khoảng 1 tháng so với mọi năm do sắn trồng vụ mới bắt đầu muộn hơn bởi thời tiết nắng nóng, khô hạn.

Do đó, tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 có thể chỉ đạt quanh con số 300.000 tấn, giảm trên 50% so với năm 2018. Đối với tinh bột sắn, xuất khẩu trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu khả quan do nhiều nhà máy thực phẩm của Trung Quốc vẫn đang dừng hoạt động...

Khó khăn trăm bề

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm, chiếm tới 89,2%, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm là bởi xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu. Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngừng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp có xu hướng gom hàng, tạm ngừng xuất khẩu.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam, Thái Lan của Trung Quốc đang giảm, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu từ Lào, Campuchia. Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Do đó, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu. Tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài đến hết quý II năm nay.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới, dẫn đến việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, việc Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng, yêu cầu làm thông quan tại các cửa khẩu chỉ định… khiến nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu của nước ta lao đao. Chính vì vậy dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu.

Ngoài ra, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng Nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn qua kênh biên mậu.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam, Thái Lan của Trung Quốc đang giảm, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu từ Lào, Campuchia. 
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục