Trung ương đề nghị hoàn thiện hồ sơ để công nhận Tiên Phước là huyện nông thôn mới
Ngày 7/5, nguồn tin cho biết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và có giải pháp nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM của huyện Tiên Phước để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Theo đó, ngày 26/4, Hội đồng thẩm định Trung ương đã họp thẩm định hồ sơ, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Theo đó, Hội đồng thẩm định Trung ương đã nhất trí (bằng hình thức bỏ phiếu kín) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Tiên Phước đạt chuẩn NTM năm 2024.

Để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tiên Phước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và có giải pháp nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tiên Phước.
Trong đó, Văn phòng điều phối NTM yêu cầu bổ sung thông tin đánh giá chất lượng Trường THPT Phan Châu Trinh do hiện nay trường đã quá thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch thực hiện kiểm định và công nhận lại; bổ sung thông tin giải trình về việc chậm phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện để đảm bảo việc đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2024 là phù hợp.

Hoàn thiện lại báo cáo kết quả xây dựng NTM của huyện và báo cáo thẩm tra của Công an tỉnh để đánh giá đúng thực trạng an ninh trật tự trên địa bàn huyện, đảm bảo huyện đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an ninh trật tự đối với huyện đạt chuẩn NTM theo quy định và rà soát, bổ sung thông tin, số liệu về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí để đảm bảo đầy đủ, thống nhất, cập nhật đến hết năm 2024.

Ngoài ra, Văn phòng điều phối NTM còn yêu cầu làm rõ các giải pháp trong xây dựng NTM của huyện, đó là cần có lộ trình và giải pháp cụ thể (giải pháp công trình và giải pháp phi công trình) để mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn 2 huyện; có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các hồ chứa như, hồ Mò Ò, hồ Suối Thỏ, hồ Hố Khế và thường xuyên sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn.
Có giải pháp để kế thừa, phát huy các kết quả xây dựng NTM của huyện, chuyển giao cho cơ quan phù hợp quản lý, sử dụng (nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu) và sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp để tiếp tục duy trì và phát triển trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp.

Đặc biệt, có giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn dựa trên các lợi thế sẵn có của huyện, huyện là một trong những vùng trồng cau lớn nhất cả nước; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để gia tăng giá trị; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Giữ gìn và phát huy các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện trong phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

“Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo thực hiện; có báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh Quảng Nam gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Trên cơ sở hồ sơ đã được hoàn thiện của UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi có văn bản đánh giá chính thức của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Tiên Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024”, công văn nêu rõ.

Trước yêu cầu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tiên Phước và các sở, ngành liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Trung ương và đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tại công văn trên để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Tiên Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; đồng thời, sớm tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến để gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo
báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn NTM năm 2024 đối với
huyện Tiên Phước, theo đó tổng số xã trên địa bàn
huyện Tiên Phước có 14 xã, hiện đã có 14/14 xã đã được công nhận
đạt chuẩn NTM, tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM là 100%. Số xã đã được
công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao 2/14 xã là xã Tiên Cảnh
và Tiên Phong, tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là
14,29%; 1 thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, tỷ lệ thị trấn
đạt chuẩn đô thị văn minh là 100%.
Cũng
theo báo cáo, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc xây dựng NTM, đến
nay thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn 14 xã của
huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đạt 58,64 triệu đồng/người/năm, tăng
51,94 triệu đồng/người/năm so với năm 2010 và tăng 44,34 triệu đồng/người/năm
so với năm 2015.
Trong
đó, xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là 66,1 triệu đồng/người/năm
(Tiên Phong) và xã có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là 50 triệu
đồng/người/năm.
Nhờ
vậy, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn của 14 xã
ở Tiên Phước đến nay giảm còn 2,25% (tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là
40,57%), với 375 hộ nghèo và cận nghèo đa chiều. Trong đó, hộ nghèo đa chiều là
166 hộ, hộ cận nghèo đa chiều là 209 hộ...