Xây dựng NTM ở Quảng Nam: Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn và thành thị
Tại Quảng Nam, vào thời điểm này các cấp, ngành vào cuộc một cách quyết liệt đồng bộ với một quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.
Quảng Nam đã có 132/186 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 186 xã thực hiện chương trình NTM.

Theo đó, kết quả thực hiện tiêu chí xã NTM tại Quảng Nam, đến nay bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 186 xã theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 17,21 tiêu chí/xã. Có 132/186 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 70,97%, tăng 4 xã NTM so với quý I năm 2025.
Đối với kết quả đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là 16,88 tiêu chí/xã. Có 40 xã được công nhận xã NTM nâng cao, tăng 15 xã so với quý I năm 2025; 10 xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Kết quả huyện NTM, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM, đến nay, có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ đạt 22,2% gồm, Điện Bàn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Duy Xuyên. Huyện Tiên Phước phấn đấu huyện NTM năm 2024 (đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2024 tại Tờ trình số 1568/TTr-UBND ngày 28/02/2025 của UBND tỉnh, đang chờ Trung ương xét công nhận).

“Năm 2025 là năm về đích trong thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh Quảng Nam đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2025 nêu trên trước tháng 6/2025 để bổ sung những kết quả đạt được và giải pháp thời gian đến vào báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 -2030.
Để về đích đúng hẹn, kịp thời, nên từ bây giờ ngành cũng như các huyện, thị xã, thành phố, các xã cần tích cực phối hợp thường xuyên. Từ đó, kịp thời hỗ trợ chính quyền các xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình NTM, nhất là đối với những xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu năm 2025…”, ông Nguyễn Xuân Vũ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Vũ nói thêm, đi kèm với việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Quảng Nam đang chuẩn bị tốt các nội dung để hội nghị tổng kết chuyên đề chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, sẽ tổ chức tổng kết cuộc thi ‘‘vườn - ường - đường đẹp’’, ‘‘mô hình phát triển sản xuất hiệu quả’’, “cơ sở vật chất trường mầm non/mẫu giáo đạt chuẩn’’, ‘‘điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi’’ và ‘‘thôn nông thôn mới kiểu mẫu’’ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2025.
Ngoài ra, còn đẩy mạnh việc sử dụng nguồn vốn được giao cho chương trình NTM, trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn; phấn đấu đến cuối năm 2025 giải ngân 100% vốn năm 2025.

“Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xem đây là một giải pháp trọng tâm đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, giải pháp để làm mới chương trình NTM.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Quảng Nam đang đề nghị Trung ương sớm ban hành định hướng về chương trình NTM giai đoạn 2026-2030, phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương sáp nhập. Đồng thời, đề nghị có cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn và thành thị”, ông Nguyễn Xuân Vũ cho biết.
Đưa sảm phẩm OCOP vươn xa thị trường quốc tế
Đối với Chương trình OCOP, mới đây sau cuộc họp với các ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Trần Anh Tuấn kết luận và nhấn mạnh, qua hơn 7 năm (2018 - 2025) triển khai, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 493 lượt sản phẩm của 386 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 191 sản phẩm hết hạn, có 3 sản phẩm thu hồi chứng nhận OCOP, 299 sản phẩm còn hạn (gồm 274 sản phẩm 3 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao).

“Qua việc tham gia chương trình, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy. Những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống tỉnh Quảng Nam và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh”, kết luận nêu rõ.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP năm 2025 theo kế hoạch đề ra; UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2025, rà soát các nội dung để điều chỉnh thời gian triển khai hợp lý nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra. Tong đó lưu ý về thời gian triển khai đánh giá, phân hạng và công nhận hạng sao OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.

“Về công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đề nghị các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện đảm bảo quy định, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, làm việc với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan có thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP để kiểm tra, rà soát lại các nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị trong năm 2025 và bàn bạc, thống nhất để có đề xuất điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, tránh trùng lắp, chồng chéo trong công tác xúc tiến thương mại.
Đối với chủ thể OCOP tham gia các đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài cần được lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng, sản phẩm phù hợp với thị trường, mục đích chuyến đi và cần có sự luân phiên để nhiều chủ thể được tham gia; về lâu dài nên nghiên cứu theo hướng xã hội hóa…”, kết luận nhấn mạnh.