Trước ông Trịnh Văn Quyết, những "đại gia" nào từng vướng vòng lao lý vì thao túng thị trường chứng khoán?

Việt Sáng Thứ tư, ngày 30/03/2022 07:33 AM (GMT+7)
Trước ông Trịnh Văn Quyết, không ít "đại gia" phải trả giá với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Thậm chí có người còn phải chịu án chung thân.
Bình luận 0

Bắt ông Trịnh Văn Quyết vì tội thao túng thị trường chứng khoán

Ngày 29/3, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, trước đó những ai đã vào tù vì thao túng thị trường chứng khoán? - Ảnh 1.

Bắt ông Trịnh Văn Quyết vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Trước ông Quyết, tại Việt Nam không ít người phải vào tù vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, cũng không ít người bị phạt tiền vì tội danh trên.

Khởi tố cựu Giám đốc Công ty cổ phần ASA vì thao túng thị trường chứng khoán

thao túng thị trường chứng khoán4.jpg

Bị can Nguyễn Văn Nam tại cơ quan điều tra - Ảnh: CACC

Trước đó, ngày 24/1/2022, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra của bộ (C03) đã điều tra hành vi tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần liên doanh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA). Mã chứng khoán của công ty này niêm yết trên sàn giao dịch là ASA.

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA - đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỉ đồng. Ông Nam đã niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Nam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, C03 đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên.

Chủ tịch công ty lãnh án chung thân vì thao túng giá cổ phiếu 

Tháng 5/2020, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với các bị cáo trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và khoáng sản Miền Trung - MTM.

Đây là vụ án đầu tiên TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán.

HĐXX đã triệu tập 1.065 người bị hại, 107 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 10 người làm chứng…

Theo cáo trạng, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Hamico) đã mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM do Trần Hữu Tiệp là Chủ tịch HĐQT với giá 3 tỉ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim loại tại Nghệ An.

Sau đó, ông Dĩnh chỉ đạo em gái và kế toán làm giả hồ sơ cho Công ty MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán dù công ty này không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì tháng 5/2015, Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế…

Thấy vậy, tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Sau đó, họ tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Theo cáo trạng, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã có hành vi gian dối như thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của Công ty MTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Bên cạnh đó, họ còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM.

Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016) có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu "ảo" của công ty này.

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, trước đó những ai đã vào tù vì thao túng thị trường chứng khoán? - Ảnh 3.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán... Ảnh: TTXVN.

Cơ quan chức năng xác định bị cáo Tiệp và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng cho các nhà đầu tư cổ phiếu MTM, trong đó chiếm đoạt hơn 53 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Trần Hữu Tiệp còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán cổ phiếu MTM cho 2 người khác để chiếm đoạt 355 triệu đồng.

Với hành vi trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội giả mạo trong công tác. Trong đó có một số bị cáo được tòa cho hưởng án treo.

Phạt tù 4 bị cáo thao túng thị trường chứng khoán

Sau vụ án của Trần Hữu Tiệp, 1 năm sau đó, TAND TP Hà Nội lại mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA).

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, trước đó những ai đã vào tù vì thao túng thị trường chứng khoán? - Ảnh 4.

Ba đối tượng Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thị Hinh và Nguyễn Trọng Hùng (thứ tự từ trái sang phải).

Trong vụ án này, Tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo Phạm Thị Hinh (sinh năm 1975, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KSA) 18 tháng tù; 3 bị cáo gồm Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1981), Trần Hồng Ngọc (sinh năm 1981) Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 1979) cùng trú tại Hà Nội cùng bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng về cùng tội "Thao túng thị trường chứng khoán."

Theo cáo trạng, Phạm Thị Hinh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận (KSA) và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán VSM.

Cuối năm 2015, Phạm Thị Hinh thực hiện tăng vốn điều lệ Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,05 triệu cổ phiếu mã KSA chào bán ra công chúng và được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp, nên Phạm Thị Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo cổ phiếu KSA, nhằm tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản. 

Đồng thời, chỉ đạo Trần Hồng Ngọc là nhân viên Công ty chứng khoán VSM lập ra 69 tài khoản rồi bàn bạc cùng Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng (Nhân viên Công ty chứng khoán Maritime - MSI) sử dụng 69 tài khoản liên tục thực hiện mua, bán chứng khoán KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán đối với mã cổ phiếu KSA để thu hút các nhà đầu tư với thủ đoạn như trên.

Trong thời gian từ ngày 11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, hành vi của Phạm Thị Hinh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, 3 Công ty chứng khoán gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty Cổ phần chứng khoán Phú Hưng, Công ty Cổ phần chứng khoán Dầu khí cho vay margin đối với các tài khoản do Phạm Thị Hinh, Trần Hồng Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn sử dụng giao dịch chéo cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng.

HĐXX xác định, trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Hinh đóng vai trò là người chủ mưu, khởi xướng và tích cực thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị cáo còn lại gồm Trần Hồng Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng đóng vai trò là đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, Tòa quyết định bị cáo Phạm Thị Hinh phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Phạt tiền nhiều trường hợp liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán

Đơn cử, tháng 7/2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố xử phạt ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội) số tiền 940,35 triệu đồng với lý do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch CP VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ông Bê là người có liên quan một lãnh đạo VPBank. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Tương tự, ông Lê Mạnh Thường (Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản khác nhau để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng mã FTM của Công ty CP Đầu tư và phát triển Đức Quân (TP.HCM) bị xử phạt 600 triệu đồng/người.

Hoặc tháng 9/2020, cơ quan quản lý cũng xử phạt và buộc ông Hoàng Đức Thuận phải nộp lại số tiền hơn 3,3 tỉ đồng do đã có hành vi thao túng giá DST của Công ty CP đầu tư Sao Thăng Long.

Trước đó, vào năm 2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước từng ra quyết định xử phạt bà Đỗ Thị Cẩm Thúy 600 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính gần 9,3 tỉ đồng do đã sử dụng 28 tài khoản để thao túng CP SPI…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem