Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ

P.V Thứ bảy, ngày 30/07/2022 08:02 AM (GMT+7)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh cho rằng qua 35 năm Đổi mới, nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn và bền vững hơn.
Bình luận 0

Ngày 29/7/2022, đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những trọng tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh BTC.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay bối cảnh quốc tế đã có nhiều biến động với sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Không những vậy, vấn đề toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đã hình thành và thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều.

Bên cạnh đó, những yêu cầu về bảo đảm an toàn môi trường gắn với những cam kết của cộng đồng quốc tế, các vấn đề về an ninh phi truyền thống,… đã làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong bối cảnh đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian tới cần tập trung vào 4 nội dung chính.

Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân, cần lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ.

“Cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ hai, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức thời đại, đồng thời tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực.

Do đó, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp duy trì, phát triển những động lực tăng trưởng hiện có về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng mới như phát triển vùng, liên vùng, đô thị, kinh tế biển… Trưởng Ban kinh tế cho rằng cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những trọng tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh BTC.

Thứ ba, yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu đã thay đổi.

Theo đó, hướng tiếp cận công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới phải chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản.

Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước; đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ tư, phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn.

Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để ngăn chặn cơ bản tình trạng chảy máu chất xám. Quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo lại nghề; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội…

Bộ TT&TT đề xuất về mục tiêu, chỉ tiêu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới:
- Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045
- Chính phủ số: Thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu
- Kinh tế số: Tỉ trọng kinh tế số trong GDP chiếm 20% vào năm 2025, chiếm 30% vào năm 2030
- Xã hội số: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 100%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem