Trường tiền tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Trị: Xem xét chuyển mục đích sử dụng thành hội trường, nhà văn hóa

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 17/03/2022 06:15 AM (GMT+7)
Lý do điểm trường tiểu học Rào Trường, xã Vĩnh Hà được đầu tư tiền tỷ, xây dựng khang trang nhưng bị bỏ hoang 5 năm qua là do “thời cuộc”?.
Bình luận 0

Ngày 16/3, ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng GDĐT huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị  cho biết, đã chủ trì cuộc họp giữa các phòng, ban của huyện, UBND xã Vĩnh Hà và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tiểu học xã Vĩnh Hà để tìm phương án giải quyết tình trạng điểm trường tiểu học thôn Rào Trường bị bỏ hoang.

Trường tiền tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Trị: Lỗi do thời cuộc? - Ảnh 1.

Điểm trường Tiểu học thôn Rào Trường được xây dựng với số vốn 1,6 tỷ đồng, khang trang nhưng lại bị bỏ hoang gây lãng phí. Ảnh: V.N

Theo ông Hải, sau khi họp bàn đã thống nhất đề nghị UBND xã Vĩnh Hà họp dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. 

Nếu người dân không có nhu cầu cho con học tập tại điểm trường tiểu học Rào Trường thì UBND xã sẽ chuyển mục đích sử dụng thành hội trường, nhà văn hoá… cho thôn, xã sử dụng, tránh tình trạng bỏ hoang như lâu nay diễn ra.

Ngày 16/1/2022, trong buổi làm việc với tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong cả nước còn trên 30% trường học tạm bợ, bán kiên cố.

Ông Hải cho biết, có 2 lý do khiến điểm trường tiểu học Rào Trường bị bỏ hoang: Thứ nhất, trước năm 2016, làng thanh niên lập nghiệp miền Tây Vĩnh Linh (lấy thôn Rào Trường làm trung tâm) có khá đông thanh niên còn bám trụ, sinh con đẻ cái.

 Vì vậy, địa phương cho rằng quy mô làng sẽ phát triển mạnh. Hơn thế, thời điểm đó học sinh phải mượn phòng của Ban quản lý làng thanh niên lập nghiệp miền Tây Vĩnh Linh để học, điều kiện khó khăn. Vì vậy, xây dựng điểm trường tiểu học thôn Rào Trường nhằm phục vụ việc học, đáp ứng quy mô dân số thời điểm đó.

Trường tiền tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Trị: Lỗi do thời cuộc? - Ảnh 3.

5 năm qua, điểm trường 1,6 tỷ đồng này trở thành nỗi tiếc nuối của người dân bởi nó bị bỏ hoang quá lãng phí, trong khi nhiều nơi đang thiếu phòng học. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thế nhưng, ở làng thanh niên lập nghiệp đa số kiếm sống bằng nghề trồng rừng, thời gian nhàn rỗi nhiều. Vì vậy, rất nhiều thanh niên đã mang vợ con trở về quê cũ ở các xã phía Đông Vĩnh Linh, vùng đồng bằng, nơi có nhiều việc làm, điều kiện sống tốt hơn. 

Họ chỉ đến Rào Trường khi cần chăm sóc cây rừng. Sự thay đổi này khiến số lượng học sinh ít đi, không đáp ứng tiêu chuẩn số học sinh trên mỗi lớp, nếu phải thực hiện dạy lớp ghép thì chất lượng sẽ kém đi.

Thứ hai, xã Vĩnh Hà dù đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng so với mặt bằng chung toàn huyện thì vẫn là vùng khó. So với các trường vùng đồng bằng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tiểu học xã Vĩnh Hà có chất lượng yếu hơn, khiến phụ huynh không tin tưởng.

Trường tiền tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Trị: Lỗi do thời cuộc? - Ảnh 4.

Bên trong phòng học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ đèn, điện, máy quạt nhưng đang bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo ông Hải, việc phụ huynh yêu cầu phải thay toàn bộ giáo viên mới là khó thực hiện vì như vậy giáo viên cũ biết đi đâu về đâu.

Ông Hải cho biết, thời gian tới Phòng GDĐT Vĩnh Linh sẽ tiếp tục nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tiểu học xã Vĩnh Hà, nhưng khả năng thay đổi suy nghĩ của phụ huynh là khó.

Trường tiền tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Trị: Lỗi do thời cuộc? - Ảnh 5.

Chiếc quạt lâu năm không sử dụng nên ong đã làm tổ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Như Dân Việt đã phản ánh, 5 năm nay, điểm trường tiểu học thôn Rào Trường bị bỏ hoang.

Điểm trường này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Linh làm chủ đầu tư, xây dựng 3 phòng học vào năm 2016 với kinh phí 1,6 tỷ đồng, đến 2017 hoàn thành và bỏ hoang cho đến nay. Hiện trạng điểm trường cơ bản còn tốt, ngoại trừ một số cửa kính bị vỡ, mối mọt.

Lý do điểm trường bị bỏ hoang là phụ huynh không tin trình độ giảng dạy của giáo viên nhà trường; yêu cầu thay đổi toàn bộ giáo viên mới cho con đi học. Nếu không, phụ huynh sẽ tiếp tục phương án như 5 năm nay, đó là cho con học hết bậc mầm non ở điểm trường thôn, sau đó chuyển hộ khẩu con đi các xã lân cận có trường, giáo viên chất lượng cao hơn để theo học bậc tiểu học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem